Đình công đòi tăng lương, tăng phụ cấp
Ngày 12.2, ông Dương Đức Khanh, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Ninh Bình, cho biết vụ việc công nhân Công ty TNHH Vienergy (địa chỉ tại Khu công nghiệp Phúc Sơn, TP.Ninh Bình, Ninh Bình) đình công vẫn chưa chấm dứt.
Hàng ngàn công nhân Công ty TNHH Vienergy đình công từ chiều 11.2 Phúc Ngư |
Cùng ngày, đại diện Liên đoàn lao động TP.Ninh Bình, Liên đoàn lao động tỉnh Ninh Bình và các cơ quan chức năng đang tiếp tục phối hợp với công ty tìm hiểu, giải quyết vụ việc theo thẩm quyền.
Trước đó, từ đầu giờ chiều 11.2, hàng ngàn công nhân Công ty TNHH Vienergy đồng loạt nghỉ việc tập thể, đưa ra nhiều yêu cầu đối với công ty, gồm: tăng lương cơ bản; tăng chế độ phụ cấp; không được ép công nhân nghỉ phép; thâm niên của công nhân phải tính rõ ràng; khi nghỉ phép theo chế độ, không được trừ các khoản phụ cấp, tiền thưởng Tết; đi làm ngày chủ nhật phải tính lương gấp đôi; tăng ca phải có giờ nghỉ giao ca…
Chiều 11.2 đại diện Công ty TNHH Vienergy và các cơ quan chức năng đối thoại với công nhân nhưng chưa đi đến thống nhất nên sáng 12.2 công nhân vẫn chưa quay lại làm việc Phúc Ngư |
Trong chiều 11.2, đại diện công ty cùng các cơ quan chức năng đã đối thoại với công nhân, tuy nhiên hai bên chưa thống nhất cách xử lý đối với các yêu cầu của công nhân, nên đến sáng ngày 12.2, hàng ngàn công nhân Công ty TNHH Vienergy vẫn chưa trở lại làm việc.
Được biết, Công ty TNHH Vienergy chuyên sản xuất giầy dép da với tổng số hơn 5.000 công nhân.
Sau 5 ngày đình công, công nhân vẫn chưa quay lại làm việc
Sáng 12.2, công nhân của nhà máy sản xuất giày da thuộc Công ty TNHH Viet Glory tại xã Diễn Trường (H.Diễn Châu, Nghệ An) vẫn tiếp tục ngưng việc để đòi tăng lương.
Hàng ngàn công nhân Công ty TNHH Viet Glory đã đình công 5 ngày qua Khánh Hoan |
Sau khi lãnh đạo nhà máy này có văn bản sẽ tăng phụ cấp thâm niên và “xem xét tăng lương vào thời gian phù hợp”, sáng 12.2, một số công nhân đã đến nhà máy để làm việc. Tuy nhiên, sau đó, nhiều công nhân khác không vào làm việc và tiếp tục đình công bên ngoài cổng nhà máy nên số công nhân đã vào làm việc sau đó cũng bỏ về.
Nhiều công nhân cho rằng, do công ty chỉ hứa tăng lương nhưng không có thời điểm tăng cụ thể nên họ chưa đồng tình.
Vụ đình công này bắt đầu từ chiều 7.2. Gần 5.000 công nhân của công ty đình công để yêu cầu lãnh đạo nhà máy thực hiện 11 yêu cầu của công nhân, gồm: tăng lương cơ bản, tăng phụ cấp thâm niên, chế độ nghỉ phép không được trừ các khoản phụ cấp, tăng số lượng công nhân được hưởng mức độc hại, công nhân bị nhiễm Covid-19 không được tự ý chấm dứt hợp đồng lao động…
Sau nhiều cuộc đối thoại giữa công nhân và lãnh đạo nhà máy, đến ngày 11.2, ban giám đốc Công ty TNHH Viet Glory đã quyết định bổ sung phụ cấp thâm niên cho công nhân kể từ tháng 3 và đồng ý giải quyết một số kiến nghị khác của công nhân. Việc tăng lương cơ bản, công ty này cho rằng công ty đang áp dụng mức lương 3.670.100 đồng, cao hơn 600.000 đồng so mức lương cơ bản vùng 4 và sẽ xem xét thực hiện trong thời gian tới.
Sáng nay, sau khi đình công tiếp tục xảy ra, chính quyền H.Diễn Châu và đại diện Liên đoàn Lao động H.Diễn Châu đã đến nhà máy này để phối hợp giải quyết.
Trước đó, vào tháng 2.2021, công nhân của công ty này cũng đã đình công để yêu cầu tăng lương, phụ cấp và các quyền lợi khác.
Tin liên quan
Lao động – Việc làm
Nguồn: Sưu Tầm