Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2024, anh Đỗ Ba Duy (36 tuổi, trú tại phường Yên Bình, TP Tam Điệp, Ninh Bình) tất bận dọn dẹp lại ao nuôi để ra Tết chuẩn bị vụ ốc mới.
Anh nông dân 8X hiện là Giám đốc HTX ốc nhồi cũng tất bật đóng gói hàng gửi cho khách khi liên tục nhận đơn đặt mua ốc gác bếp về ăn Tết hay làm quà biếu.
Anh Duy cho biết, nghề nuôi ốc nhồi vào mùa đông hầu như không có việc vì con ốc không hoạt động. Thời điểm này, các trại nuôi đều phải chống rét cho ốc bố mẹ để đến mùa xuân, ốc hoạt động trở lại. Khi nắng ấm lên, ốc bắt đầu sinh sản. Nông dân khi đó mới vào vụ nuôi mới.
Có kinh nghiệm 4 năm trong nghề nuôi ốc nhồi, anh Duy thuộc lòng tập tính của loài “siêu đẻ” này. Anh được mệnh danh là “vua ốc nhồi” đất Ninh Bình, rất tự tin trong việc chăm sóc và lưu giữ ốc giống.
Điều đặc biệt của anh Duy khiến nhiều người thán phục và tò mò là những ngày đông giá rét, các trại nuôi khác cố giữ ấm cho ốc sống để giữ giống nhưng anh Duy vẫn có ốc nhồi thương phẩm để bán.
“Đây là bí quyết, chỉ những người thực sự am hiểu, thuộc tập tính của loài ốc thì mới lưu giữ được ốc sống đến thời điểm này để đem ra bán. Món ốc này gọi là ốc nhồi gác bếp”, anh Duy nói.
Anh nông dân giải thích: “Đó là quá trình trải dài trong nhiều tháng ru ốc ngủ. Những con ốc ngủ, hay gọi là ốc gác bếp này được chọn trước đó nhiều tháng, đưa lên bể bạt cho ăn sạch, vỗ béo rồi đưa vào phòng có nhiệt độ phù hợp để “ru” ốc ngủ”. Ốc sẽ sống không cần nước, không cần ăn uống gì trong nhiều tháng”, anh Duy bật mí.
Theo anh Duy, quá trình ru ốc ngủ, lượng ốc chết cũng nhiều, phải lọc bỏ, còn con nào sống thì sẽ sống rất lâu. Trong thời gian dài, ốc không cần cho ăn uống gì mà tự dưỡng bằng lượng dinh dưỡng dự trữ trong cơ thể. Khi bán cho khách đặt hàng, người nuôi chỉ cần đánh thức bầy ốc bằng nước, tẩm bổ lại bằng sữa và trứng là ốc sẽ tỉnh. Loại ốc này ăn rất ngon và giàu chất dinh dưỡng.
Chuẩn bị cho vụ Tết năm nay, anh Duy trữ hơn 200kg ốc gác bếp. Mỗi kilogam ốc bán ra thị trường có giá 300.000 nghìn đồng, cao gấp 4 lần so với ốc thường. Đến thời điểm này, trại nuôi ốc của anh Duy đã “cháy hàng”.
“Nhiều người ăn một lần loại ốc ngủ gác bếp này nói nhớ mãi vị ốc béo, nước ngọt, dai giòn. Do chỉ trữ được số lượng ít, lượng ốc hao hụt nhiều nên chưa Tết trại nuôi của gia đình tôi đã không còn hàng bán. Vụ Tết năm nay, tôi bán hết sạch số ốc gác bếp có được, thu lãi khoảng 20 triệu đồng”, anh Duy thông tin.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm