Những ngày đầu tháng 1, gia đình chị Nguyễn Thị Mai, ở xóm Phú Lợi, xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) thuê, mượn 12 lao động chặt, tập kết mía ra khu đất bằng để chờ xe đến vận chuyển về nhà máy.
Vừa “chỉ đạo” tốp người lao động chặt mía, chị Mai cho biết, gia đình trồng gần 1ha mía, mỗi năm thu hoạch khoảng 60 tấn mía cây.
“Gia đình tôi ngoài đổi công với bà con trong xóm thì thuê người chặt với giá 1.800-2.000 đồng/bó, ngoài ra lá mía được người lao động tận dụng hoặc bán sang tay cho các hộ cần”, chị Mai nói.
Anh Nguyễn Văn Bá – người chặt mía thuê – chia sẻ: “Nhìn thì đơn giản, nhưng việc chặt mía đòi hỏi phải có sức khỏe tốt. Khi chặt phải đeo găng tay, tránh bị xây xước da.
Vào những ngày thời tiết nắng nóng, việc chặt mía rất mệt. Trung bình mỗi người có thể chặt được khoảng 100-150 bó mía/ngày, công chặt dao động 250.000-300.000 đồng; ngoài ra nếu bán thêm lá mía 1.500-2.000 đồng/bó thì, cũng được 500.000-600.000 đồng/ngày”.
Theo người dân địa phương, để làm được công việc chặt mía phải biết chịu đựng, vì nhiều khi lá mía cứa, lông mía rụng vào người rất ngứa và còn có cả kiến đen, kiến đỏ cắn. Không ít người đi làm, không chịu được cực nhọc, dị ứng với lông mía đã phải bỏ về.
Chặt, bốc vác mía thuê là công việc thời vụ, tuy nặng nhọc nhưng mang lại thu nhập 300.000-400.000 đồng/người/ngày, khá cao so với các nguồn thu nhập khác của người lao động tại địa phương. Có những gia đình nhiều lao động cùng làm công việc này, một vụ mía cũng có thu nhập hàng chục triệu đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, chủ mía và người chặt thuê có thỏa thuận mỗi bó mía khoảng 13-16 cây.
Năm ngoái, giá thuê chặt một bó mía khoảng 1.200-1.500 đồng, vụ năm nay giá chặt mỗi bó tăng lên 1.800-2.000 đồng, tùy ở từng địa phương. Với giá nhân công chặt mía như hiện nay, mỗi ha, người chặt được ít nhất 10 triệu đồng tiền công, chưa kể bán lá.
Tổ thu mua của gia đình ông Hồ Kỳ Hào, ở xóm Phú Lợi xã Nghĩa Phú đến các xóm trên địa bàn không chỉ trong xã mà các xã lân cận để thu mua lá mía cho người lao động nơi đây.
Tổ thu mua của ông Hào có 3-4 thành viên, công việc dường như không có giờ giấc: “Nghe tin nơi nào có gia đình chặt mía là chúng tôi có người đến để mua ngay. Công việc tuy không nặng nhọc nhưng có tiền trang trải cuộc sống, chúng tôi đều phấn khởi rồi lại động viên nhau cùng cố gắng”.
Dù mới tờ mờ sáng, khi mặt trời đứng bóng hay đêm khuya, những người làm nghề chặt, vác mía thuê vẫn hăng hái làm việc khi có người gọi.
Vụ thu hoạch mía kéo dài trong khoảng thời gian 1,5-2 tháng, rơi vào đúng thời điểm nông nhàn nên nhiều lao động địa phương tranh thủ để có thêm nguồn thu nhập, trang trải cuộc sống.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm