Cơ duyên đưa cây tre đến những nơi sang trọng
Một ngày đầu tháng 12/2023, anh Nguyễn Sỹ Luân (30 tuổi, Hiệp Hòa, Bắc Giang) đang miệt mài chăm sóc những chậu cây cảnh trong khu vườn rộng khoảng 20.000m2 thì nhận được cuộc điện thoại thông báo rằng tác phẩm tre bonsai “Lưỡng long chầu nhật” của anh được lựa chọn làm vật trang trí trong một sự kiện rất quan trọng.
Đầu dây bên kia là giọng của một người nghệ nhân chuyên về trà, ông nói với anh Luân sắp xếp chậu tre rồi chụp ảnh gửi qua để dựng nền 3D. Đến ngày 10/12/2023 sẽ xuống vườn ngắm cây và đưa đi.
“Trước đó, tôi có cơ hội gặp người nghệ nhân trà tại ngày lễ di sản ở nhà số 87 phố Mã Mây (Hà Nội). Khi đó, tôi gọi điện cho chú và xin phép được chuyển mấy cây tre xuống đặt trong tiệc trà của chú. Tôi có gửi vài tấm hình để chú lựa chọn trước khi vận chuyển cây xuống Hà Nội.
Sau lần gặp gỡ đó, đến đầu tháng 12/2023 chú có gọi điện cho tôi nói rằng sắp tới có một chương trình rất lớn nhưng chú không tiết lộ là sự kiện gì, chỉ hẹn đến ngày sẽ xuống nhà đưa cây đi. Hôm đó chú xuống lúc trời nhá nhem tối để ngắm nghía lại cây một lần nữa.
Thời gian rất gấp gáp, tôi chỉ biết là cây của mình đặt trong phòng trà nhưng không biết ở đâu và có những ai tham dự. Mọi chuyện được giữ bí mật tới tận phút chót, tới khi cả người và cây được đưa tới cửa kiểm tra an ninh tôi mới biết những chậu tre của mình được góp mặt trong một sự kiện trọng đại như vậy”, anh Luân kể.
Anh cho biết, toàn bộ tác phẩm tre bonsai được lựa chọn bày trong tiệc trà đều phải trải qua các khâu kiểm tra rất nghiêm ngặt. Lực lượng an ninh của hai nước thẩm định cây có chất kích thích, chất bảo quản hay vật nổ nguy hiểm không. Sau khi vượt qua được vòng kiểm tra, anh Luân mới được đưa cây vào bên trong phòng trà và sắp xếp chúng vào các vị trí đã định sẵn, xong xuôi anh trở về nhà.
“Với một người chơi cây lâu năm, khi sản phẩm của mình được lựa chọn tham gia sự kiện lớn vừa là nhân duyên vừa là vinh dự. Tôi có tất cả 21 tác phẩm được lựa chọn, trong đó có 12 tác phẩm tre ngà, tre gai đặt hai bên phòng trà và 8 tác phẩm trúc đặt tại bàn trà. Tác phẩm đặt chính diện có tên “Lưỡng long chầu nhật”, anh Luân chia sẻ.
Từ ngày tác phẩm bonsai tre “Lưỡng long chầu nhật” của anh Luân xuất hiện trên tivi, nườm nượp khách thập phương tìm đến ngôi nhà của anh tại Bắc Giang để được tận mắt chiêm ngưỡng. Thậm chí, nhiều đại gia sẵn sàng xuống tiền để sở hữu tác phẩm này bằng bất cứ giá nào.
“Khi tôi mang cây về, nhiều người đặt vấn đề muốn mua lại, có người gọi điện bảo tôi “cho con số”, giá nào họ cũng “xuống tiền”. Tuy nhiên, những chậu tre đó với tôi đó là kỷ niệm, là di sản nên giá nào cũng không bán.
Từ khi những chậu tre bonsai của mình “nổi tiếng”, cuộc sống của tôi thay đổi khá nhiều. Trước đây toàn thui thủi một mình trong vườn, còn giờ ngày nào cũng có khách ra khách vào thăm quan, trò chuyện. Được mọi người biết đến và yêu quý mình như vậy đó là cơ duyên và may mắn đối với tôi”, anh Luân chia sẻ.
“Đốt” tiền tỷ vì chơi tre
Khu vườn rộng khoảng 20.000m2 tại Bắc Giang của anh Luân hiện có hàng nghìn loại cây cảnh khác nhau. Tuy nhiên, tre bonsai vẫn là tâm huyết của người nghệ nhân trẻ.
Vừa bán gốm, vừa chăm cây, anh Luân bán được đồng nào lại tìm mua phôi tre về trồng. Sẵn bình gốm “của nhà trồng được”, anh còn sáng tạo những tác phẩm tre bonsai độc đáo đặt trong chum gốm, bình gốm.
Để thành công với việc biến gốc tre thành những tác phẩm bonsai nghệ thuật là câu chuyện về sự kiên trì, đam mê và những thách thức mà người nghệ nhân trẻ phải đối mặt.
Chỉ vào đống gốc tre khô tiêu tốn cả tỷ đồng ở góc vườn, anh Luân kể hai năm trước, do quá tự tin vào bản thân, anh nhập hàng loạt phôi tre từ khắp nơi. Sẵn tiền bán gốm, bán cây, cứ có phôi tre ưng mắt anh Luân xuống tiền đặt mua, có thời điểm mỗi ngày 30-50 phôi tre được gửi về Bắc Giang qua đường bưu điện.
Tre mua về, anh Luân cẩn thận trồng bằng đất nhập khẩu từ Nhật Bản nhưng không ngờ phôi tre chết hàng loạt. Mất nhiều vốn liếng, anh mới tìm ra được nguyên nhân, đất nhập khẩu đặc khô, trong khi tre là thân thảo, róc nước nhanh. Nếu không biết cách tưới và để hở rễ thì gốc tre sẽ bị thối. Sau này, mỗi lần phôi tre về, anh tỉa sạch rễ, rồi trộn cát với xơ dừa làm đất ủ để giữ ẩm cho cây.
“Lúc mới chơi, tôi tưởng dễ ăn, cứ nghĩ mua tre về gắn thêm đá rồi cho loại đất của Nhật vào trồng như cách trồng lan, tạo tác một chút rồi có thành phẩm. Nhưng không có con đường trải thảm lụa, cây tre không phù hợp với đất Nhật. Thế là khoảng thời gian đó tôi mất trắng vườn tre do không có kinh nghiệm.
May gia đình có sẵn nghề làm gốm truyền thống kiếm ra tiền nên khi thất bại tôi vẫn có tiền để theo đuổi đam mê. Nếu chỉ hai bàn tay trắng có lẽ giờ tôi đang làm công nhân chứ không được như bây giờ”, anh Luân chia sẻ.
Mất tiền tỷ để đổi lại kinh nghiệm nhưng rủi ro không vì thế mà dừng lại. Năm ngoái, anh Luân bỏ hàng trăm triệu đồng để mua phôi tre, anh dự tính nếu thành công sẽ xuất bán vào dịp cuối năm. Song thời tiết lạnh của miền Bắc khiến mọi tính toán của chàng trai trẻ đổ bể, ngay cả khi đã có nhiều kinh nghiệm trồng tre, anh vẫn mất gần 1 nửa số tre mua về.
“Đam mê với bộ môn nghệ thuật này rất khó tính được thiệt hại vì ngày nào tôi cũng mua tre, sẵn tiền bán gốm, cứ thấy có phôi đẹp là xuống tiền mua tre. Trong 6 năm từ ngày chơi tre đến giờ tôi cũng mất tiền tỷ. Ai cũng nghĩ trồng tre dễ nhưng đó là trồng 5-10 cây, còn khi ươm thành vườn lớn mới thấy trồng tre khó như nào”, anh Luân nói.
Trải qua nhiều thất bại nhưng với đam mê với nghệ thuật bonsai, đặc biệt là tình yêu với những gốc tre, anh Luân không bỏ cuộc mà tiếp tục tìm tòi và nghiên cứu các phương pháp trồng và chăm sóc cây tre.
Sau 6 năm, người nghệ nhân trẻ đã tạo ra những kiệt tác tre bonsai nghệ thuật, 21 tác phẩm được lựa chọn để trang trí trong tiệc trà mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự là thành quả, sự công nhận lớn đối với anh.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm