Theo công nhân, danh sách này được công bố bất ngờ. Công nhân cho rằng Công ty TNHH Nobland Việt Nam đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho hay công ty này đã có gửi văn bản về việc cho thôi việc nhiều lao động đến Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM vào ngày 7.8.
Cụ thể, việc cắt giảm lao động tại công ty được áp dụng theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 42 (thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động), khoản 6 điều 42 của bộ luật Lao động 2019 (cho thôi việc người lao động sau khi đã trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động là thành viên, và thông báo trước 30 ngày cho UBND cấp tỉnh và cho người lao động).
Công ty TNHH Nobland Việt Nam sẽ giảm 611 người trong tổng số 2.504 công nhân lao động đang làm việc tại công ty từ ngày 10.9. Chế độ chi trả cho người lao động được công ty đưa ra gồm:
Thứ nhất, thanh toán phép năm còn lại cho người lao động chưa sử dụng hết số ngày phép. Ngoài ra, có 268/611 lao động đã tạm ứng sử dụng trước ngày phép năm thực có nên đến thời điểm nghỉ việc mà bị âm ngày phép thì hoàn trả lại số tiền tương ứng với ngày phép năm đã sử dụng vượt, với tổng số tiền cần hoàn trả hơn 247 triệu đồng.
Thứ hai, tiền lương những ngày làm việc: Tại thời điểm người lao động nghỉ việc được thanh toán đầy đủ những ngày công thực tế đã làm việc.
Thứ ba, trợ cấp mất việc đối với người lao động đủ điều kiện theo điều 47 bộ luật Lao động 2019. Dự kiến sẽ chi trả hơn 14 tỉ đồng.
Trong danh sách công nhân bị mất việc, người nhận thấp nhất là 2 tháng lương. Còn lại, thời gian tính hưởng trợ cấp mất việc cho công nhân sẽ trừ thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp (do cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả) từ năm 2009 đến nay.
Công nhân bức xúc vì cho rằng thông báo này là bất ngờ và họ chưa được gặp gỡ, trao đổi nào để biết mình nằm trong diện bị cắt giảm trước đó. Đa số người lao động bị cắt giảm là những công nhân lâu năm.
“Chiều qua (24.8), khoảng 50 người xuống văn phòng phản ứng, chất vấn việc bất ngờ nằm trong danh sách cắt giảm, nhất là với tổ chức công đoàn khi chưa hỏi ý kiến người lao động”, một nữ công nhân tên H. bức xúc.
Nhiều công nhân cho rằng, việc công ty cho thôi việc là nhằm muốn người lao động ký sang chế độ lương theo sản phẩm thay vì lương thời gian mỗi tháng.
Trước đây, cuối năm 2021, đã có khoảng 1.000 công nhân đình công vì không đồng ý phương thức này. Sau đó, công ty phải đồng ý tính lương thời gian theo hợp đồng cũ. Đối với những công nhân đã ký biên bản thỏa thuận hưởng lương theo sản phẩm với công ty nhưng quay lại muốn hưởng lương theo thời gian thì “hủy bỏ biên bản thỏa thuận”.
“Tôi làm việc tại công ty đã hơn 16 năm với mức lương 9 triệu đồng/tháng, bây giờ ký qua làm việc theo sản phẩm thì được khoảng 4,9 triệu đồng/tháng, mất hết các số tiền hỗ trợ xăng dầu, tiền trọ… Nếu bây giờ chấp nhận mất việc thì tôi được hưởng 2,5 tháng lương. Đối với tôi việc chi trả này là thiếu nhân văn vì người lao động đã đồng hành với công ty biết bao năm nay, ngay cả thời cam go nhất như dịch Covid-19”, một nữ công nhân khác bức xúc.
Theo Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, sáng nay 25.8, lãnh đạo của đơn vị và các thành viên thuộc các cơ quan quản lý lao động có buổi trao đổi với lãnh đạo Công ty TNHH Nobland Việt Nam để có hướng xử lý phù hợp.
Luật quy định thế nào về chi trả trợ cấp mất việc làm?
Theo quy định tại điều 47 bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm cứ mỗi năm làm việc trả 1 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 2 tháng tiền lương.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
Ví dụ, nếu người lao động làm việc từ năm 2006 thì thời gian chi trả trợ cấp mất việc tính tới năm 2009 (thời điểm có bảo hiểm thất nghiệp) là 3 tháng lương.
Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động mất việc làm.
Lao động – Việc làm | thanhnien.vn
Nguồn: Sưu Tầm