Không ngại bắt “trend”
17h, tuyến đường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh, TPHCM) tấp nập xe cộ qua lại. Hàng nước của chị Ngọc (ngụ tại TPHCM) lại được dịp đông đúc.
“Chị chủ, cho em một ly trà cóc”, một thực khách tranh thủ gọi món. Chỉ vài phút, chị Ngọc đã hoàn thành ly trà cóc thơm lừng, đưa vội cho thực khách. Được biết, quán mở cửa từ 11h đến 23h.
Là một trong những người đầu tiên bán món nước mới lạ này, chị Ngọc không khỏi hạnh phúc khi hàng nước của mình được nhiều người ủng hộ. Thời gian đầu, chị Ngọc có thể bán được 100 kg cóc/ngày. Lúc đó, chị phải thuê thêm 10 nhân viên, thay phiên nhau pha chế.
Dần dà, dù sức mua giảm gấp 3 lần, chị Ngọc vẫn bán 200-300 ly trà cóc/ngày. Ngoài món trà cóc, chị còn kinh doanh thêm các món trà trái cây khác, có giá 15.000-25.000 đồng/ly.
Để giảm bớt chi phí nhân công, chị Ngọc đã đầu tư 22 triệu đồng để trang bị máy cắt, ép và xay.
Mọi nguyên liệu đều được chị lựa chọn một cách kỹ càng và ưu tiên những loại trái cây tươi. Để giữ độ tươi cho sản phẩm, hằng ngày, chị Ngọc chỉ chuẩn bị lượng hàng vừa đủ, giữ mát liên tục, khi nào hết nguyên liệu sẽ đặt mua thêm. Vì thế, chị phải nhập hàng 2-3 lần/ngày.
Biến cố tạo động lực
Trước khi khởi nghiệp bán nước giải khát, chị Ngọc cho hay mình từng kinh doanh quần áo tại chợ Bà Chiểu gần 16 năm. Đó cũng là nguồn thu nhập chính, giúp chị trang trải cuộc sống hằng ngày.
Thế nhưng, những năm gần đây, xu hướng mua hàng trực tuyến lên ngôi, tình hình buôn bán tại chợ trở nên ế ẩm. Thu nhập giảm, nhìn hai đứa con còn đỏ hỏn, chị Ngọc xót ruột, lật đật tìm thêm mặt hàng khác để kinh doanh.
Thời điểm ấy, mạng xã hội “sốt” món trà chanh giã tay. Chị liền mua nguyên liệu về bán thử. Ngày đầu khai trương, chị bán được 80-90 ly.
Lo ngại nguồn cung cấp chanh tươi từ nước ngoài sẽ gặp khó khăn khi nhập về Việt Nam, chị quyết định tìm tòi thêm nhiều nguyên liệu khác nhau để thay thế. Tình cờ thấy trái cóc, chị nảy ra ý tưởng và bắt đầu thử nghiệm.
Sau những lần thất bại, chị đúc kết được nhiều kinh nghiệm cho bản thân, món nước dần hoàn thiện và ngon miệng hơn.
“Ngoài gia đình, tôi còn đưa cho các tiểu thương tại chợ uống thử để xin góp ý. Trước khi mang đến thực khách, mình uống phải cảm thấy ngon trước đã”, chị cho biết.
Lắm lúc, việc kinh doanh đường phố vất vả, phải chịu đựng nắng mưa thất thường, chị Ngọc những tưởng đã phải từ bỏ. Thế nhưng, khi được khách hàng ủng hộ ngày càng nhiều, chị Ngọc lấy đó làm động lực để cố gắng.
Dần dà, thấy việc buôn bán “ăn nên làm ra”, chị Ngọc quyết định nghỉ bán quần áo, tập trung vào hàng trà cóc.
Nói đến đây, người mẹ 2 con bỗng trầm mặt, cười xòa, nói: “Hiện tôi là mẹ đơn thân”.
Chị Ngọc bộc bạch rằng vì nhiều lý do, chị và chồng ly hôn khi con đầu 2 tuổi và con út chỉ mới 1 tuổi. Khoảnh khắc ấy, chị Ngọc nhớ lại bản thân gần như sụp đổ. “Nhờ có 2 đứa con mà tôi vực dậy được tinh thần. Chúng là nguồn sống của tôi”, chị chia sẻ.
Để con có tương lai tốt đẹp, chị Ngọc miệt mài làm việc không biết nghỉ ngơi. Mỗi ngày, chị chỉ ngủ vài tiếng, thời gian còn lại chị túc trực ở quầy hàng, chăm sóc các con.
“Hiện tại cuộc sống có phần hơi vất vả, nhưng tôi nghĩ nếu nỗ lực, mọi thứ sẽ dần tốt hơn. Điều khiến tôi vui nhất là khi được khách hàng khen món nước tôi làm ngon, hay chỉ đơn thuần là họ quay trở lại mua lần nữa. Hơn nữa, kiếm được tiền lo cho các con cũng là điều khiến tôi vô cùng hạnh phúc”, chị Ngọc cười, nói.
Trọng Khang
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm