Từ đầu tháng 3, vườn dâu tằm của bà Phạm Thị Kỷ (xóm Xuân Trung, xã Nghi Đức, thành phố Vinh, Nghệ An) bắt đầu chín rộ.
Khoảng 13h, bà Kỷ mang rổ ra vườn thu hoạch dâu. “Dâu hái khi trời khô ráo, cây không đọng sương, khoảng 9h-17h hàng ngày. Chỉ hái những quả dâu chín mọng, màu đỏ thẫm hoặc đen, như thế mới ngọt”, bà Kỷ nói.
Đôi bàn tay bà thoăn thoắt vít những cành dâu rồi nâng niu, chọn quả to, mọng nhất, bằng một động tác nhẹ nhàng nhưng dứt khoát, tách nó ra khỏi chùm. Quả dâu chín chỉ cần hơi mạnh tay có thể bị dập, nát, hoặc làm đứt cuống cả những quả chưa chín.
Vườn dâu được bà Kỷ trồng từ 4 năm trước. Trên mảnh vườn gần 1 sào, bà trồng 40 gốc dâu, sau 3 năm dâu có thể thu hoạch quả.
Theo bà Kỷ, trồng dâu không khó, cũng không tốn công chăm sóc, chỉ cần dọn cỏ sạch gốc và bón phân chuồng hàng năm. Cây dâu có nhiều sâu nhưng tuyệt nhiên không thể dùng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo quả sạch, an toàn cho người dùng.
Khoảng tháng 3, dâu bắt đầu chín, có thể thu hoạch trong vòng 1 tháng. Nếu thời tiết nắng ấm, dâu có thể thu hoạch từng ngày, trường hợp khách đặt từ 10kg trở lên, bà Kỷ sẽ thu hoạch cách nhật để đảm bảo số lượng.
Thu hoạch vất vả bởi phải tỉ mỉ, nhẹ nhàng, thường lâu công hơn. Những năm trước, giá dâu 40.000-50.000 đồng/kg. Năm nay, giá dâu tăng, cao điểm lên tới 70.000 đồng/kg nên người trồng phấn khởi.
“Ngày hôm qua tôi phải nhờ chị gái sang thu hoạch giúp, được 15kg, thương lái đến tận nhà lấy. Trồng dâu lấy quả vất vả nhưng so với trồng lúa hay hoa màu thì hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn”, bà Kỷ cho hay.
Với giá dâu hiện tại, trung bình mỗi ngày bà Kỷ bán được hơn 1 triệu đồng. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, với 40 gốc dâu, người phụ nữ này bỏ túi khoảng 30-35 triệu đồng/vụ kéo dài hơn 1 tháng.
Từ năm 2017, ông Lương Văn Công (51 tuổi, xóm Xuân Mỹ, xã Nghi Đức) trồng 6 gốc dâu, ở hai cụm vườn. Hơn một tuần trở lại đây, dâu bắt đầu chín. Thay vì hái dâu bán cho thương lái, vợ ông Công hái bán ở chợ gần nhà.
“Ngày thu hoạch rải rải cũng được 3-4kg, bán được trên dưới 200.000 đồng, đủ mua thức ăn. Dâu một năm thu hoạch khoảng 1 tháng nhưng không tốn công, không phải đầu tư nhiều, so với trồng các loại rau ngắn ngày thì hiệu quả cao hơn”, ông Công cho hay.
Xuân Mỹ được xem là “thủ phủ” cây dâu tằm ở xã Nghi Đức. Nhà ít trồng dăm gốc, nhà trồng nhiều vài ba chục gốc dâu.
Ông Nguyễn Trường Thuyên (65 tuổi, xóm Xuân Mỹ) trồng hơn 20 gốc dâu, tuổi đời gần 25 năm. Những gốc dâu to, quả sai, đỏ cả cành. Ông cũng không rõ cây dâu tằm được trồng ở đây từ bao giờ. So với dâu ở nơi khác, dâu tằm Xuân Mỹ có quả mọng, nhiều nước và có vị ngọt hơn.
“Quả dâu tằm có nhiều tác dụng, vừa ngâm đường làm xi rô giải khát mùa hè, vừa ngâm rượu uống, vừa ép nước hay phơi khô làm thuốc. Theo đông y, dâu tằm có nhiều công dụng, tốt cho tim mạch, xương khớp, da, tóc, tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ tiêu hóa, giảm cân…”, ông Thuyên cho hay.
Theo ông Thuyên, cây dâu tằm mang lại thu nhập khá ổn định, trung bình mỗi năm gia đình ông thu 25-30 triệu đồng từ tiền bán quả dâu, có năm lên tới 50 triệu đồng. Đặc biệt không hiếm những cây có thể thu vài ba triệu đồng/vụ.
“Dâu tằm dễ bán, thương lái về tận nơi thu mua, mình chỉ việc hái xuống. Nhưng trồng dâu không sử dụng hóa chất hay thuốc bảo vệ thực vật nên cây nhiều sâu, nếu không bảo hộ cẩn thận thì dễ chạm lông sâu, nhất là sâu róm, gây ngứa ngáy khó chịu”, ông Thuyên nói.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm