Cơ hội cho lao động Việt sang Hàn Quốc làm việc
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cùng đoàn công tác chứng kiến lễ ký thỏa thuận giữa Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước (Dolab) Đặng Huy Hồng và Chủ tịch Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) Lee Woo Young.
Bản thỏa thuận gồm 13 điều, mục đích là thiết lập các vấn đề và nội dung công việc cần thiết với sự hỗ trợ của HRD và Dolab để thực hiện hệ thống tính điểm thi (thi tiếng Hàn, kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực).
Văn bản quy định cụ thể trách nhiệm và nghĩa vụ của hai đơn vị trong việc tổ chức triển khai thực hiện hệ thống tính điểm, thông báo kết quả các kỳ thi, hướng dẫn người lao động hoàn thiện hồ sơ, đăng ký dự tuyển.
So với thỏa thuận năm 2021, văn bản lần này cơ bản tiếp thu, kế thừa các nội dung, có bổ sung một số chi tiết cho phù hợp với tình hình thực hiện chương trình đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc (EPS). Như quy định áp dụng hệ thống tuyển chọn theo phương thức tính điểm, bao gồm các hình thức thi vòng 1 (thi EPS-TOPIK) và vòng 2; đánh giá năng lực; phòng ngừa và xử lý gian lận (Điều 8).
Lệ phí dự thi được điều chỉnh, từ mức 24USD/lao động áp dụng hiện nay lên 28USD.
Trao đổi tại lễ ký thỏa thuận, Chủ tịch Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) Lee Woo Young khái quát, chương trình cấp phép tuyển dụng lao động nước ngoài của Hàn Quốc (chương trình EPS) đã thực hiện đến năm thứ 20, mang lại nhiều hiệu quả. Hàn Quốc hiện có chủ trương mở rộng hơn chương trình và hy vọng từ đó có thể thu hút thêm nhiều lao động tốt của Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc.
Ông Lee Woo Young nhắc đến việc vừa qua, lao động Vũ Văn Giáp của Việt Nam đạt giải nhất cuộc thi tay nghề trong số 16 quốc gia có lao động phái cử tại Hàn Quốc. Điều đó thể hiện sự ưu tú, phẩm chất tốt của lao động Việt Nam. Trong bối cảnh thiếu hụt nhân lực nhiều ngành nghề, lao động Việt Nam sẽ là nguồn bổ sung tốt cho Hàn Quốc.
“Chúng tôi cảm ơn cơ quan đối tác, Trung tâm lao động ngoài nước – Dolab, Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam đã gửi cho chúng tôi những lao động thực sự ưu tú. Chưa kết thúc năm 2023 đã có hơn 10.200 lao động Việt nhập cảnh. Trong năm 2024, hy vọng sẽ có thêm nhiều nhân lực hơn nữa được Dolab phái cử sang Hàn Quốc”, ông Lee Woo Young phát biểu.
Cùng trao đổi, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhận định, chương trình EPS đã từng nhận cả giải thưởng của Liên hợp quốc, cùng với HRD. Việc ký thỏa thuận dịch vụ của HRD Hàn Quốc và Dolab Việt Nam là tiền đề để hai trung tâm hợp tác, đẩy mạnh hơn hoạt động thúc đẩy thực hiện chương trình EPS.
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam khái quát, qua 20 năm triển khai chương trình EPS đã có gần 130.000 lượt người lao động Việt Nam được phái cử sang làm việc tại Hàn Quốc. Đây là con số biểu tưởng cho sự hợp tác trong lĩnh vực lao động việc làm cũng như giao lưu nhân dân giữa 2 nước.
“Bộ LĐ-TB&XH mong muốn và đề nghị HRD Hàn Quốc tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ và thúc đẩy quan hệ hợp tác thực hiện Chương trình EPS với Việt Nam lên một tầm cao mới. Người lao động Việt Nam tham gia chương trình bên cạnh có việc làm, thu nhập tốt còn được tiếp thu, đào tạo khoa học kỹ thuật để sau khi về nước tiếp tục tham gia vào thị trường việc làm trong nước với vai trò là nguồn nhân lực kỹ thuật”, ông Hoan bày tỏ.
Bộ LĐ-TB&XH đã giao Trung tâm Lao động ngoài nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với HRD Korea, kịp thời báo cáo Bộ những vấn đề lớn, vấn đề mới trong hợp tác để cùng HRD thực hiện thành công Chương trình EPS như tinh thần đã được thống nhất tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Việc làm và Lao động Hàn Quốc Lee Jung-sik tại Hà Nội trong năm 2023.
Hàn Quốc mở rộng ngành nghề tiếp nhận lao động
Phát biểu sau lễ ký kết, Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước Đặng Huy Hồng mong Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tiếp tục có hoạt động hợp tác, gắn bó với Dolab để cùng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo hai Bộ Lao động đã giao cho hai cơ quan.
Ông Hồng cũng đề cập thông tin, năm 2024, Hàn Quốc có chỉ tiêu tiếp nhận 165.000 lao động từ các nước tham gia chương trình EPS. Ông Hồng mong phía Hàn Quốc tăng chỉ tiêu tiếp nhận lao động diện visa E9 (thị thực dành cho lao động phổ thông) cho Việt Nam.
Thực tế, năm 2023 có 29.000 lao động Việt đăng ký tham gia kỳ thi tiếng Hàn và hơn 50% đạt điều kiện nhưng mới hơn 10.000 người nhận được visa sang Hàn làm việc. Tăng hạn ngạch cấp phép sẽ có thêm nhiều người lao động đã vượt qua kỳ thi có thể sớm sang Hàn Quốc làm việc, giúp giải quyết những thiếu hụt nhân lực của nước bạn.
Ngoài ra, Giám đốc Dolab đề nghị cơ chế cho bảo lưu kết quả thi 1 năm với những người chưa được cấp visa, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục xuất cảnh Hàn Quốc sau kỳ thi tiếng Hàn.
Ông Hồng cũng gợi ý việc mở rộng ngành nghề tiếp nhận lao động sang các lĩnh vực như nhà hàng, khách sạn, lâm nghiệp, khai thác mỏ mà phía Hàn Quốc đã có chủ trương. Ông đề nghị cơ quan đối tác sớm thông tin kế hoạch để tuyển dụng nhóm lao động này một cách hiệu quả.
Đáp lời, Chủ tịch Dolab khẳng định, hạn ngạch lao động chỉ áp dụng với ngành sản xuất chế tạo. Các ngành khác như nông nghiệp – chăn nuôi, ngư nghiệp, dịch vụ có thể tuyển dụng lao động rộng mở, tự do. Hạn ngạch thực tế sẽ tăng hơn rất nhiều với con số 165.000 lao động năm sau.
Về tỷ lệ mới chỉ 30% lao động tham gia kỳ thi tiếng Hàn có thể xuất cảnh, ông Lee Woo Young khẳng định sẽ xem xét phương án bảo lưu kết quả kỳ thi hoặc hướng khác để tránh lãng phí với người lao động.
Đại diện phía Hàn Quốc cũng cam kết, với những ngành nghề mới có nhu cầu tuyển dụng lao động ông Hồng đề cập, khi Chính phủ nước này có chỉ đạo cụ thể, HRD sẽ thông báo sớm nhất cho đối tác Việt Nam.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm