Khát khao con chữ
“Ông Lỳ Nỏ Pó là đồng môn của tôi đấy”, ông Hà Văn Cương (43 tuổi, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An) cười khi dẫn chúng tôi tới thăm ông Pó. Tôi cứ ngỡ ông chủ người Mông làm giàu trên núi Thằm Tạp này còn trẻ lắm. Ấy nhưng đón chúng tôi là người đàn ông đã luống tuổi, chân chất như những người đàn ông dân tộc Mông tôi gặp nơi dải đất biên cương này.
“Tôi 25 tuổi mới đi học, nên học cùng khóa với Phó Bí thư Cương thôi. Tôi sinh năm 1962, tính ra là 61 tuổi rồi”, ông Pó giới thiệu về mình.
Thời điểm đó, ông Pó đã lấy vợ và là người cha của hai đứa con. Lỳ Nỏ Pó sinh ra và lớn lên ở Nậm Tột – cái tên cũng đủ gợi lên sự tách biệt, cheo leo và cái nghèo cả về kinh tế lẫn tri thức. Bởi vậy, những năm giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, một người đàn ông đã có vợ con xuống núi đi học chữ là sự kiện chấn động cả bản.
Năm 1987, Nỏ Pó được vợ gói cho mấy cân gạo, vượt đường rừng xuống trung tâm xã theo học lớp xóa mù chữ. Ngoài ông Pó còn có mấy “đồng môn” lớn tuổi nữa, họ dựng lán, góp gạo thổi cơm để nuôi giấc mơ về con chữ.
“Bản ta nghèo lắm, cũng bởi không biết chữ cả thôi. Đi học dưới xã cả tuần, không đi làm rẫy được, vợ lại nuôi con nhỏ thì vất vả lắm nhưng Nhà nước cho học, phải đi chứ. Tay ta cầm dao, cầm rựa phát rẫy quen rồi, cầm cái bút không quen, viết theo cái ý của mình khó lắm, nhưng khó phải cố thôi”, ông Pó kể.
Bằng khổ luyện và khát khao con chữ, Lỳ Nỏ Pó học hết tiểu học. Muốn học thêm phải xuống Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện. 30 tuổi, quãng đường đến với cái chữ của người đàn ông dân tộc Mông này lại xa thêm 50 cây số. Hồi ấy, đường xuống huyện còn khó đi lắm, chưa được thảm nhựa như bây giờ, xe cộ cũng không có, Nỏ Pó phải đi bộ. Khó khăn như thế nhưng không ngăn được quyết tâm “học lên cao” của Lỳ Nỏ Pó.
“Tôi học đến lớp 7 thì vợ sinh đứa con thứ 4. Sinh khó, phải đi viện cấp cứu, tôi phải nghỉ học để chăm sóc vợ. Hai đứa con đầu đã đi học, vợ đau yếu lại phải nuôi con nhỏ, mình là trụ cột trong nhà, phải về thôi”, ông Pó vẫn nuối tiếc khi nói về sự học bị đứt gánh giữa chừng của mình.
Khi bản Nậm Tột được tách ra thành các bản mới, gia đình ông Pó trở thành công dân của bản Phà Khốm. Có chữ nghĩa, Lỳ Nỏ Pó được tín nhiệm làm Bí thư đoàn thanh niên, rồi Trưởng bản Phà Khốm. Năm 1996, Nỏ Pó được đứng vào hàng ngũ Đảng và được bầu giữ Bí thư chi bộ bản.
Mình là đảng viên, chẳng lẽ cứ chịu mãi cảnh nghèo này?, ông Pó nghĩ và trăn trở lắm. Năm 1999, Ngân hàng chính sách xã hội có chương trình cho vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế, Lỳ Nỏ Pó mạnh dạn làm hồ sơ vay 5 triệu đồng, mua 2 con bò giống thả trên núi Thằm Tạp để khởi nghiệp.
Từ 2 con bò đầu tiên này, đảng viên người Mông bước chân vào con đường làm giàu lắm gian nan nơi miền biên viễn.
Gia tài bạc tỷ trên núi Thằm Tạp
Năm 2003, thực hiện chủ trương đưa đồng bào Mông ở các bản biên giới của xã Tri Lễ về sinh sống ở khu kinh tế mới Minh Châu, Lỳ Nỏ Pó đưa cả gia đình rời Phà Khốm.
Xuống khu kinh tế mới, Lỳ Nỏ Pó được bầu giữ chức vụ trưởng ban công tác mặt trận bản D1. Khi bản D1 sáp nhập vào bản Na Niếng, ông xin nghỉ vì có tuổi, hơn nữa, quá bận với đàn trâu, bò ngựa cả trăm con.
Hỏi chuyện nuôi trâu bò, ông Pó kể say sưa lắm. Chuyển đến khu kinh tế mới theo chủ trương của huyện, của xã nhưng chuồng trại của gia đình ông vẫn để lại bản cũ. Từ chỗ ở đến khu chuồng trại chăn nuôi trên núi Thằm Tạp, vợ chồng ông Pó phải di chuyển non chục cây số.
“Tôi mua bò cái nuôi, đẻ bê cái thì để nuôi, bê đực thì bán đi. Bán 2 con bê đực mua được một con bê cái, cứ thế tăng đàn dần dần, rồi mua thêm trâu, ngựa. Có thời điểm, tổng đàn trâu, bò, ngựa của tôi phải đến trên 100 con”, ông Pó say sưa kể.
Thời gian đầu, đàn bò của ông cứ thả rông trong rừng, tự kiếm ăn. Chuyện trâu bò mải kiếm ăn, đi sâu vào trong rừng, phải đi tìm hay lẫn vào đàn của hàng xóm xảy ra như cơm bữa. Chưa kể, mùa mưa rét, sương muối, bò chết dần chết mòn, con chết do đói, con chết vì rét quá. “Có năm chết 8 con, có năm chết 16 con”, ông Pó kể. Tôi nhẩm tính sơ sơ, cứ trung bình mỗi con 20 triệu đồng, ông Pó cũng thiệt hại mấy trăm triệu đồng.
Phải thay đổi cách thức chăn nuôi thôi, không thể cứ “nhờ trời” mãi được, ông Pó nghĩ. Ông xuống núi, tranh thủ tham dự các lớp khuyến nông, học hỏi thêm về cách thức chăm sóc đàn gia súc. Đều đặn mỗi năm ông tiêm phòng cho đàn trâu bò của mình 2 lần, bổ sung muối vào thức ăn để tăng sức đề kháng.
Cùng với kiến thức được tập huấn, lại được các đồng chí trong Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã, Hội nông dân xã Tri Lễ góp ý, ông bắt tay vào khoanh rừng để nuôi bò. Vẫn là nuôi thả đấy, nhưng theo cách thức dễ quản lý hơn.
10ha đất núi Thằm Tạp ông phân chia từng khu vực, trong đó dành hẳn 2ha đất trồng cỏ voi chủ động nguồn thức ăn, phần còn lại khoanh đồng cỏ để trâu bò tự đi kiếm ăn khi thời tiết thuận lợi.
“Tôi chia thành từng đàn nhỏ, mỗi đàn chỉ có 1-2 con bò đực thôi, nếu nhiều bò đực sẽ dẫn đến tranh dành con cái, việc phối giống hay bảo vệ đàn khó hơn. Mà phải chọn bò đực to, khỏe, như thế mới tốt giống”, ông Pó chia sẻ về kinh nghiệm tăng đàn gia súc của mình.
Ông xây dựng các khu chuồng trại, vào những đợt rét đậm, rét hại “sơ tán” đàn bê hay những con bò ốm yếu vào đấy, che bạt cản gió, đốt củi sưởi ấm cho bò. Nhờ tiêm phòng đầy đủ, chủ động nguồn thức ăn dự trữ, có khu chuồng trại tránh mưa, rét, ông Pó khắc phục dần yếu điểm của cách thức chăn nuôi truyền thống của đồng bào Mông nơi đây.
“Giờ hai vợ chồng có tuổi rồi, phải giảm đàn thôi. Tôi bán hết ngựa rồi, giờ chỉ nuôi 35 con bò, bê và 25 con trâu”, ông Pó kể.
Theo tiết lộ của ông Pó, thời điểm này, giá trâu bò có giảm hơn so với trước kia nhưng một con trâu thịt nặng khoảng 1,5 tạ có giá 30 triệu đồng, con bò khoảng 1 tạ có giá 17-18 triệu đồng. Tính bình quân, đàn trâu, bò của ông Pó có giá trị khoảng hơn 1,2 tỷ đồng nhưng ông chưa nhận mình là giàu. Điều khiến ông tự hào nhất là nhờ chăn nuôi, bản thân đã thoát nghèo, trả hết nợ và nuôi dạy con cái trưởng thành.
“Con trai đầu học đại học xong đi làm thầy giáo. Hai con gái thì lấy chồng rồi. Thằng Tỉnh (anh Lỳ Bá Tỉnh – con trai thứ 2 của ông Pó) thi đại học không đậu, ở nhà nuôi trâu bò với bố mẹ. Nay Tỉnh có trang trại chăn nuôi riêng, không làm chung với bố mẹ nữa”, ông Pó tự hào khoe.
Đánh giá về mô hình phát triển kinh tế của ông Lỳ Nỏ Pó, ông Hà Văn Cương – Phó Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ – hồ hởi: “Trang trại của ông Pó có quy mô tổng đàn nhiều nhất xã, có thời điểm lên tới hơn 100 con gia súc các loại. Không chỉ làm kinh tế giỏi, được báo cáo điển hình tại hội nghị nông dân giỏi toàn tỉnh, ông Pó nhiều năm liền được công nhận là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Làm giàu cho bản thân và gia đình, ông Pó còn nhiệt tình truyền kinh nghiệm chăn nuôi cho nhiều hộ dân trong xã. Từ mô hình kinh tế hiệu quả của ông Pó, Đảng ủy, chính quyền xã Tri Lễ đã tổ chức các hộ dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm để từ đó nhân rộng ra địa bàn toàn xã. Tính đến nay, xã biên giới Tri Lễ có hơn 100 mô hình chăn nuôi, mặc dù quy mô còn nhỏ, lẻ nhưng đã và đang chứng tỏ hướng đi đúng trong phát triển kinh tế ở địa phương”.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm