Ngày 6.9, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức hội thảo về chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Tại hội thảo, TS Trương Minh Huy Vũ, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 không chỉ có ý nghĩa quan trọng với tăng trưởng kinh tế mà còn liên quan vấn đề an sinh xã hội của TP.HCM.
Vì vậy, sản phẩm nghiên cứu sẽ cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn và khoa học để tham mưu TP.HCM ban hành các cơ chế chính sách cụ thể về lao động việc làm.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Lê Uyên, đại diện nhóm nghiên cứu, cho hay mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá hiện trạng và các yếu tố tác động đến thị trường lao động TP.HCM; xác định những ngành, lĩnh vực hiện nay đang thừa, thiếu lao động; thực trạng chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo xu thế chung. Qua đó, đề xuất giải pháp đảm bảo việc làm bền vững cho người lao động gắn với những yêu cầu liên quan đến hội nhập; các chiến lược lao động – việc làm.
Đề án nghiên cứu đã đưa ra một số nhận định ban đầu về tình hình lao động việc làm hiện nay. Đơn cử như có hiện tượng nghịch lý, người thất nghiệp hoặc mất việc làm, trong khi đó, nhiều doanh nghiệp không tuyển được lao động; cung – cầu lao động còn nhiều bất cập cho thấy thị trường lao động vận hành chưa thật sự hiệu quả.
Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần xác định chính xác nhu cầu tuyển dụng và khả năng sử dụng lao động; làm rõ bức tranh “khát” lao động là như thế nào. Đồng thời, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đầu tư, đào tạo nhằm nâng cao chất lượng của hệ thống kết nối cung – cầu lao động, đặc biệt là các sàn giao dịch việc làm, các trung tâm giới thiệu việc làm để tạo sự kết nối liên thông giữa doanh nghiệp và người lao động.
Không bỏ quên khu vực phi chính thức
Thạc sĩ Lê Văn Thành, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu văn hóa xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nêu ra các vấn đề quan trọng trong việc xây dựng chiến lược lao động – việc làm.
Thứ nhất, xác định tiêu chí đánh giá một ngành thừa hay thiếu lao động.
Thứ hai, vai trò của khu vực phi chính thức trong thị trường lao động. Theo ông Thành, khu vực phi chính thức đồng hành với khu vực kinh tế chính thức, tạo điều kiện “bôi trơn” và làm hiệu quả hơn các hoạt động kinh tế chính quy. Tại TP.HCM, tỷ trọng khu vực này chiếm tới 40%.
Nhóm này được hỗ trợ trong dịch Covid-19 và sau dịch về lương thực, y tế, tài chính (hỗ trợ tài chính chậm hơn lao động chính thức vì một số yêu cầu khi thực thi chính sách như bảo hiểm, hợp đồng…), tuy nhiên, sau dịch, không được khuyến khích nên khu vực này tự hồi phục chậm. Điều này nói lên sự chống chịu của một bộ phận không nhỏ của người lao động và không được quản lý với sự vắng bóng hay bỏ sót về thực thi chính sách.
Thạc sĩ Lê Văn Thành cho rằng, lâu dài cần “chính thức hóa” lao động phi chính thức để bảo vệ quyền lợi và đảm bảo sự an toàn cho người lao động, tạo ra sự công bằng trong thị trường lao động.
Khi định hướng lại chiến lược việc làm, Chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, và doanh nghiệp có thể hợp tác để tạo ra môi trường thúc đẩy sự chuyển đổi và phát triển bền vững trong khu vực lao động phi chính thức.
Thứ ba, thu nhập đóng vai trò quyết định trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động. Ông nói, đại bộ phận người lao động có lương, thu nhập không đủ sống. Có thể cùng một vị trí công việc nhưng thu nhập một bác sĩ bệnh viện công thấp hơn nhiều so với bác sĩ bệnh viện tư, dù giá dịch vụ không khác biệt nhiều.
Hiện nay, bất bình đẳng thu nhập giữa các ngành và khu vực công và tư cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phân tích, ngay trong nội bộ khu vực công, với những ưu đãi gần đây, cũng cho thấy những đãi ngộ chưa hợp lý.
Vì vậy, nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ thêm để giữ vững những định hướng ưu tiên trong chiến lược lao động việc làm.
Thiếu nhân lực chất lượng cao
Phát biểu tại hội thảo, thạc sĩ Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, cho biết những năm tới, thị trường lao động Việt Nam sẽ nổi lên 4 xu hướng, gồm: gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ; chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm; lao động giản đơn sẽ trở nên yếu thế; gia tăng “khởi nghiệp, tự tạo việc làm”.
Song song đó, việc đầu tư máy móc, công nghệ sẽ dần phổ biến; dự báo có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong thị trường lao động theo hướng từ nguồn nhân lực giá rẻ – trình độ thấp sang nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tuy nhiên, theo thạc sĩ Trần Anh Tuấn, thách thức lớn nhất đối với lĩnh vực lao động việc làm hiện nay là cơ cấu lao động còn lạc hậu, trình độ thấp; thiếu nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong khi đó, chương trình đào tạo hiện nay vẫn chưa được linh hoạt, nội dung chưa phù hợp với nhu cầu và xu thế.
Vì vậy, đòi hỏi cấp thiết là tăng tỷ lệ nguồn nhân lực có trình độ cao hướng tới tiêu chuẩn quốc tế. Ông Tuấn kiến nghị một số giải pháp cụ thể như nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc gia, khu vực; tích hợp các nội dung đào tạo về kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp…
Lao động – Việc làm | thanhnien.vn
Nguồn: Sưu Tầm