Theo báo cáo kinh tế – xã hội của TP.HCM 6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp trong nước nói chung và của TP.HCM bị ảnh hưởng, đơn hàng sản xuất giảm, hàng hóa tồn kho tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm. Tình hình này nằm trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động, môi trường quốc tế đang kém thuận lợi, thị trường bất động sản, thị trường tài chính chậm cải thiện.
Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp thành lập mới ở TP.HCM tăng về số lượng, nhưng giảm về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022 (giảm 19%); thu hút đầu tư vốn nước ngoài (FDI) giảm mạnh (giảm hơn 37%).
Thống kê của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho thấy mặc dù thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi khi tỷ lệ tạo việc làm mới và tỷ lệ giải quyết việc làm tăng, song đời sống người lao động vẫn gặp nhiều khó khăn khi thất nghiệp gia tăng.
Cần giải pháp lớn để tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng, đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị liên quan như Liên đoàn Lao động TP.HCM để nắm sát tình hình của doanh nghiệp, sức khỏe doanh nghiệp.
“Chính khó khăn của doanh nghiệp mới lan đến khó khăn của người lao động. Trong thời gian qua, với thẩm quyền của đơn vị, Sở LĐ-TB-XH đã tiếp cận, nắm thông tin của các doanh nghiệp và sẵn lòng hỗ trợ, giúp đỡ tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp để phục hồi sản xuất”, ông Lê Văn Thinh nói.
Với những doanh nghiệp cắt giảm lao động khiến nhiều người lao động mất việc, Sở LĐ-TB-XH đã chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tiếp cận người lao động để nắm số lượng bị ảnh hưởng, đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để kết nối, giới thiệu việc làm.
Theo ông Thinh, trách nhiệm của Trung tâm dịch vụ việc làm là nắm nhu cầu lao động của doanh nghiệp cần tuyển và nhu cầu giảm để kết nối nguồn lực lao động. Việc thực hiện nghiêm trách nhiệm này trong thời gian qua đã đạt được hiệu quả nhất định, điển hình là kết nối việc làm khi Công ty TNHH PouYuen Việt Nam giảm hàng ngàn lao động.
Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng đề cập đến các chính sách chăm lo cho người lao động. Hiện nay, ngành công đoàn đã và đang thực hiện các chính sách chăm lo, chia sẻ với các trường hợp người lao động khó khăn. Tuy nhiên, ông cho rằng các quận, huyện quan tâm hỗ trợ các trường hợp công nhân lao động thuê nhà trên địa bàn, nhằm có những chính sách hỗ trợ giảm, miễn tiền thuê nhà cho công nhân để vượt qua giai đoạn khó khăn, giống như giai đoạn chống dịch Covid-19.
“Đặc biệt, tôi nghĩ rằng TP.HCM và T.Ư cần có những chính sách lớn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đó mới là cái gốc chăm lo cho người lao động”, ông Lê Văn Thinh nói.
“Bởi lẽ trong thực tế, nếu kinh tế phát triển, sản xuất tốt thì doanh nghiệp và người lao động có thể tự tìm đến nhau, tự giải quyết nhu cầu với nhau. Còn trách nhiệm của các đơn vị nhà nước nằm ở việc giám sát mối quan hệ lao động, từ đó có hướng dẫn, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động thực hiện đúng pháp luật lao động”, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM nhấn mạnh.
Lao động – Việc làm | thanhnien.vn
Nguồn: Sưu Tầm