Sau chuyến biển xuyên Tết, nhiều tàu chuyên hành nghề lưới vây của ngư dân Bình Định cập cảng với cá đầy khoang, trong đó có những tàu trúng 20-30 tấn cá ngừ sọc dưa, doanh thu gần cả tỷ đồng.
Tại “thủ phủ” đánh bắt xa bờ lớn nhất miền Trung – thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) – ngư dân Vũ Thành Hoàng (45 tuổi, phường Hoài Thanh, thị xã Hoài Nhơn) sở hữu 4 tàu cá công suất từ 700-900 CV. Trong dịp Tết, đội tàu của anh Hoàng vẫn đánh bắt ở quần đảo Trường Sa.
“Hôm 30 Tết, 1 tàu của tôi cập bờ, sản lượng đạt trên 30 tấn cá ngừ sọc dưa, doanh thu gần 1 tỷ đồng. Những ngày đầu năm mới Giáp Thìn thời tiết thuận lợi nên đánh bắt đều đạt sản lượng cao”, ngư dân Hoàng phấn khởi.
Ông Nguyễn Văn Thượng cũng ở phường Hoài Thanh, chủ sở hữu đội tàu 10 chiếc, cho hay những năm gần đây, ngư dân chủ yếu đánh bắt cá ngừ sọc dưa. Mỗi năm đội tàu của ông khai thác đạt trên 1.000 tấn, doanh thu khoảng 30 tỷ đồng, chưa trừ chi phí.
“So với đánh bắt truyền thống thì dùng chà dụ cá mang lại hiệu quả cao hơn hẳn. Năm nay, cá ngừ sọc dưa giá cao, có chuyến biển trúng đậm mỗi thuyền viên chia mỗi người được 20 triệu đồng”, ngư dân Thượng nói.
Ngoài ra, ông Thượng cho biết thêm, các tàu canh chà thường xuyên túc trực trên biển còn góp phần rất lớn trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Lão ngư Bùi Thanh Ninh (65 tuổi), chủ sở hữu đội tàu 6 chiếc hành nghề lưới vây đánh bắt cá ngừ sọc dưa ở thị xã Hoài Nhơn, phấn khởi cho hay, một tàu cá vừa cập cảng Tam Quan đạt sản lượng 20 tấn, ước thu khoảng 500 triệu đồng.
Kinh nghiệm 30 năm đi biển, ông Ninh chia sẻ rằng cá ngừ sọc dưa thường tập trung núp dưới bóng mát của các gò, rạn, vật nổi trên biển… Lợi dụng tập tính này, ông Ninh cùng ngư dân địa phương nghĩ ra cách thả chà để dẫn dụ cá.
Cây chà là khối phao xốp hình hộp vuông rộng khoảng 1m, được cột với cây neo nặng 600-700kg có dây thừng dài chừng 3.000-4.000 rồi thả xuống biển để cố định. Mặt dưới chà, ngư dân dùng lá dừa, cành cây kết lại tạo bóng mát nhằm dụ đàn cá. Phía trên chà được cắm lá cờ Tổ quốc để định vị và lắp tấm pin năng lượng mặt trời cho đèn sáng.
Mỗi cây chà thả xuống biển cách nhau 5 hải lý và có một tàu thường xuyên túc trực theo dõi. Khi phát hiện có đàn cá tới trú ngụ, ngư dân lập tức báo cho trưởng tàu để điều thêm các tàu khác đến vây bắt. Mỗi cây chà đầu tư trên dưới 100 triệu đồng nhưng nếu gặp đàn cá lớn có thể vây bắt hàng chục tấn.
“Trước đây, ngư dân thường cho tàu chạy khắp biển để tìm những khúc gỗ lớn nổi để đánh bắt. Cách đánh bắt truyền thống vừa không hiệu quả, vừa tốn nhiên liệu, thời gian nên từ khi chuyển qua đánh bắt bằng chà thì hiệu quả hơn nhiều. Ngoài ra, cá sau khi đánh bắt được đưa vào bờ sớm nên tươi ngon và giá bán cao hơn”, ông Ninh chia sẻ.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, khẳng định việc đánh bắt hải sản bằng chà giúp ngư dân đạt sản lượng cao trong khai thác, chất lượng cá tốt hơn, qua đó giá trị cũng cao hơn so với đánh bắt truyền thống.
Hiện nay, thị xã Hoài Nhơn có hơn 2.100 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động vùng khơi, 172 tàu chiều dài dưới 15m hoạt động vùng lộng, trong đó có 36 tổ hoạt động khai thác hải sản bằng chà dẫn dụ cá với hơn 400 chà. Nghề làm chà đánh bắt hải sản chủ yếu tập trung ở phường Hoài Thanh và Tam Quan Bắc.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm