Thế nhưng, hàng chục năm nay, ở Việt Nam xuất hiện một số nhân vật áp dụng máy móc, thiết bị hiện đại để dịch chuyển một tòa nhà hay công trình tôn giáo nặng hàng nghìn tấn từ vị trí này sang vị trí khác. Trong đó có ông Nguyễn Văn Cư (trú TPHCM), người được mệnh danh là “thần đèn” Việt Nam vì chỉ huy di dời cả trăm công trình lớn nhỏ.
Trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ông Cư cùng cộng sự đã hoàn thành phần việc dịch chuyển cổng đền Thánh Vân Chàng có tuổi đời hơn 200 năm, nặng 100 tấn ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đến vị trí mới cách hơn 60m và nâng cổng đền này cao lên 1,2m.
Phóng viên Dân trí có cuộc gặp gỡ với “thần đèn” Nguyễn Văn Cư để tìm hiểu thêm về cuộc đời, công việc đặc biệt của ông.
Xin chào “thần đèn” Nguyễn Văn Cư, việc dịch chuyển cổng đền hơn 200 năm tuổi ở Hà Tĩnh là công trình thứ mấy mà ông cùng cộng sự thực hiện?
– Tôi có 20 năm trong nghề dịch chuyển, chống lún, nghiêng, nứt công trình. Trong chừng ấy năm, tôi thực hiện khoảng 150 công trình lớn nhỏ, từ nhà trệt trăm tấn đến nâng cao công trình tôn giáo nặng 6.000 tấn.
Cơ duyên nào đưa ông đến với nghề đặc biệt này?
– Tôi sinh ra và lớn lên ở Thừa Thiên – Huế. Có lẽ nhiều người sẽ bất ngờ vì xuất phát điểm của tôi không liên quan gì đến công việc hiện tại là tính toán, xây dựng, bởi tôi tốt nghiệp đại học ngành Luật ở Huế. Năm 1975, sau ngày giải phóng, tôi vào TPHCM sinh sống.
Đến năm 2000, tôi có duyên làm nhân viên văn phòng cho một công ty trong lĩnh vực xây dựng, xử lý lún, di dời nhà. Sau một thời gian làm việc tại đây, tôi dần nhận biết, quen với cách thức, kỹ thuật làm của chủ.
Có những công trình, tôi nhận thấy nhiều thứ chưa hợp lý hoặc có thể áp dụng kỹ thuật mới để đạt hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vì không phải dân chuyên môn nên trong mỗi cuộc họp, tôi không được phát biểu ý kiến.
Đến năm 2004, tôi ra lập công ty riêng với khát vọng được áp dụng kỹ thuật mới do mình phát minh vào việc chống lún, nghiêng, ngập. Điều tôi bất ngờ là doanh nghiệp của mình sau đó thu hút nhiều đồng nghiệp công ty cũ về làm cùng.
Từ khi nào, ông được mọi người gọi với biệt danh là “thần đèn”. Điều đó có phải xuất phát từ cách làm mới lạ của ông với những công trình khó?
– Đúng vậy. Vào năm 2007, có một khối nhà 6 căn liền kề tại khu Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM cần xử lý lún, nghiêng và nâng cao 1m. Toàn bộ công trình này nặng 3.000 tấn, chiều ngang 24m, chiều sâu 24m. Một số người quen giới thiệu cho tôi thực hiện công trình này. Tôi nhận và đầu tư thêm một loạt thiết bị, máy móc về thực hiện.
Trong đó có thiết bị thủy lực, tôi cũng lấy nguyên vật liệu từ nước ngoài về tự chế thành máy móc. Điều này giúp làm công trình lớn mà không cần đến nhiều nhân lực. Ví dụ như trước đây nếu dùng thiết bị thủ công, 1 cột nâng cần 1 người quản lý thì với công trình này 4 cột, chúng tôi chỉ cần 1 người quản lý.
Ban đầu, tôi cũng lo lắm nhưng liều rồi là phải quyết tâm làm bằng được. Cứ thế, cùng với 25 công nhân, chúng tôi hoàn thành công trình này trong vòng 3 tháng. Đây là công trình lớn đầu tay của tôi.
Sau đó, có tờ báo viết về sự kiện trên và đặt biệt danh cho tôi là “thần đèn”. Hồi đó, tôi không nhận tên gọi này và có hỏi họ. Họ mới nói đặt tên như vậy để so sánh với những người trước đây. Bởi, công trình này khó vì hết sức kiên cố, liền đà, liền cột, ít người tham gia thực hiện mà lại nâng cao 1m thành công.
Một số người khác thì bảo di dời một công trình từ vị trí này qua vị trí khác thì gọi “thần đèn” là đúng. Sau đó, khi tôi thực hiện thêm nhiều công trình khác, báo chí và trên mạng cứ gọi tôi như vậy nên đành vui vẻ nhận thôi. Niềm vui là được xã hội đặt biệt danh cho mình như vậy chứ không phải tôi nghĩ ra.
Biệt danh “thần đèn” có khiến công việc của ông thêm phần áp lực?
– Đúng là có áp lực nhưng trước đó, tôi đã tự đặt ra quy chuẩn, nguyên tắc riêng khi quyết định bắt tay vào công việc này. Suốt 20 năm làm nghề, bất kỳ công trình lớn nhỏ, xa hay gần, tôi đều đích thân đi khảo sát kỹ lưỡng, tỉ mỉ. Quá trình thực hiện, tôi đều trực tiếp có mặt tại công trường chỉ huy mới an tâm.
Công ty tôi có khoảng 30 người, nhiều người do tôi đào tạo dần lành nghề. Họ có kỹ thuật giỏi nhưng tính tôi cầu toàn lắm. Dù 70 tuổi rồi nhưng may mắn tôi vẫn có sức khỏe dẻo dai. Con trai theo tôi 16 năm làm nghề rồi, đã đủ kinh nghiệm và trình độ để gánh vác thay.
Nhưng tôi vẫn còn nhiệt huyết, đam mê. Mọi công trình, tôi phải khảo sát, chỉ huy để đạt yêu cầu cao về kỹ thuật và chất lượng.
Những năm qua, chúng tôi thực hiện khoảng 150 công trình, có cả công trình ở nước ngoài nhưng không ai than phiền gì về dịch vụ. Nhiều chủ tòa nhà đó sau nhiều năm họ vẫn giữ liên lạc với tôi. Điều đó khiến tôi vui và tự hào.
Ông có nói về công trình từng thực hiện ở nước ngoài, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về kỷ niệm này?
– Đó là tòa nhà khách sạn, nhà hàng có tên Pho De Paris với quy mô 1 trệt, 1 lửng, 3 tầng rộng lớn, nặng 4.300 tấn. Tòa nhà này nằm đối diện sòng bài Le Macau từ nhiều năm trước, thuộc tỉnh Pavet, Campuchia, giáp ranh với cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh.
Vào năm 2009, tòa nhà này bị lún nứt. Khi nghe tiếng tăm của tôi, chủ nhân khách sạn này sang Việt Nam mời tôi qua xử lý. Không ngần ngại, tôi quyết định xuất ngoại khảo sát. Thời điểm đó, tôi di chuyển từ TPHCM đến cửa khẩu Mộc Bài rồi tiếp tục đi xe máy khoảng 3 tiếng mới tới nơi.
Sau khi khảo sát mức độ sự cố của công trình, tôi nhận thực hiện, đồng thời lên bản vẽ kỹ thuật và bảng giá. Lúc bấy giờ, cơ quan nhà nước sở tại của họ không cho tôi làm vì không tin tưởng, lo ngại sụp đổ dẫn đến thương vong về người.
Họ nói công trình lún nghiêng như vậy thì làm sao mà xử lý được. Suốt 2 tháng sau, chủ nhân khách sạn ra sức thuyết phục, họ mới đồng ý.
Khi họ đồng ý rồi, chúng tôi cũng gặp khó trong việc đưa máy móc, thiết bị và nhân lực qua Campuchia. Sau đó, tôi đưa ra một quyết định táo bạo khi chỉ sử dụng 10 nhân lực của công ty và thuê 15 lao động bản địa.
Khi bắt tay vào đào xuống phần móng, công trình này lại tiếp tục lún xuống chứ chưa sập. Công trình này nền móng yếu, trọng tải không đảm bảo vì họ tự xây vượt 2 tầng từ trước. Tôi phải nghiên cứu nhiều cách, vì càng đào xuống móng càng khó xử lý. Sau đó, tôi quyết định gia cố móng, dùng ben chịu lực kích lên.
Công đoạn nâng nhà cao lên để xây lại phần móng cũng vô cùng phức tạp, khó khăn, vất vả.
Sau 6 tháng ròng, việc khắc phục sự cố lún, nghiêng của tòa nhà này cũng hoàn thiện trong niềm vui của chúng tôi và sự ngỡ ngàng của người dân địa phương.
Chủ khách sạn cũng rất vui và hài lòng. Bởi việc khắc phục được, giúp họ tiết kiệm 1/5 kinh phí so với đập bỏ xây lại. Thứ hai, thời gian xử lý sự cố chỉ mất 6 tháng, nếu như xây lại cũng phải mất 2 năm, chưa kể nếu đập bỏ sẽ rất phức tạp vì bên cạnh có nhiều tòa nhà khác. Tòa nhà này từ đó đến nay vẫn sử dụng tốt, không có vấn đề gì.
Bí quyết nào giúp ông có được thành công với nghề chống lún, nghiêng, dịch chuyển?
– Tôi không có bí quyết gì cả (cười lớn). Theo tôi, làm nghề này cần có đam mê và một chút “tâm linh” nữa. Trong nhiều công trình lớn nhỏ, tôi luôn nhớ mãi kỷ niệm về các công trình tôn giáo. Như chùa Huệ Nghiêm, ở Bình Tân, TPHCM, tôi nhận nâng Đại giảng đường của ngôi chùa nặng 2.000 tấn cao 3,4m để thoát khỏi cảnh ngập trong nhiều năm.
Tôi cũng di dời thành công núi nhân tạo Đức Mẹ hơn 50 năm tuổi, nặng 420 tấn ở giáo xứ Phước Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu đến vị trí mới cách xa 9m, đồng thời nâng ngọn núi cao lên 40cm. Một công trình tôn giáo lớn và phức tạp khác vào năm 2019 tôi đảm nhiệm đó là nâng nhà thờ giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình ở Gò Vấp, TPHCM, nặng gần 6.000 tấn lên cao 2m.
Ở những công trình tôn giáo này có các trụ trì, thầy chùa, các cha xứ. Nhiều người có trình độ kỹ sư, kiến trúc sư trước khi đi tu nhưng khi nhìn từng công trình dịch chuyển từ từ đến vị trí mới ai nấy đều trầm trồ, thắc mắc.
Tôi cùng cộng sự có chia sẻ rằng, chúng tôi có một chút liều, ngoài sự tự tin vào kinh nghiệm của bản thân, chuẩn bị kỹ càng khi áp dụng máy móc, thiết bị hiện đại, còn có yếu tố “tâm linh”. Mọi việc còn nhờ “ơn trên” phù hộ nữa mới có thành công, tôi luôn tin như vậy.
Với hàng chục năm làm nghề “thần đèn”, ông có gặp khó khăn gì không và ông mong muốn những điều đó sẽ được tháo gỡ thế nào?
– Hiện nay, quá trình đô thị hóa hay làm đường giao thông khiến nhà cửa của dân hay công trình tôn giáo bị thấp, ngập nước nhiều. Do đó, nhu cầu nâng cao công trình rất lớn.
Tuy nhiên, khi có khách hàng, để thực hiện, chúng tôi phải xin thủ tục cấp phép, có nơi dễ dàng tạo điều kiện nhưng có nơi cũng khó khăn vì nói rằng không có căn cứ cấp phép.
Nếu làm “chui” mà đang thi công dang dở, chính quyền phát hiện sẽ bị đình chỉ. Điều này sẽ gây phiền phức cho cả chủ và cả chúng tôi. Trong khi nếu họ phải đập bỏ xây lại thì mất thời gian và kinh phí sẽ rất lớn.
Vì thế, chúng tôi mong muốn thủ tục cấp phép cho công việc di dời, nâng cao, chống lún, nghiêng công trình được chính quyền địa phương, cấp có thẩm quyền tạo điều kiện nhanh gọn, giảm bớt khó khăn. Từ đó, người dân cũng được hưởng lợi.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Ảnh: Dương Nguyên – Nam Anh
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm