Tại phường Hà Phong, TP Hạ Long (Quảng Ninh), có một khu nuôi trồng thủy sản khang trang, rộng gần 80ha. Đây là nơi làm việc của hơn 100 lao động với thu nhập ổn định từ nhiều năm nay.
Chèo thuyền ra biển đắp đập để nuôi trồng thủy sản
Những ngày giữa tháng 4, khi đến thăm khu nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Nguyễn Văn Ngọc (63 tuổi, ở phường Hà Phong, TP Hạ Long, Quảng Ninh), chúng tôi cứ ngỡ đây là khu du lịch sinh thái, bởi được quy hoạch khoa học, khang trang, sạch đẹp.
Vừa dẫn chúng tôi đi tham qua, ông Ngọc vừa giới thiệu từng vị trí với công năng cụ thể.
Chẳng hạn, khu hồ được che bạt phía trên là nuôi tôm mùa đông; khu có các bể nước xây ngăn thành từng khoang là nơi ươm con giống cá song, cá vược, cá nuôi làm thức ăn cho cá,… Tất cả đều quy củ, gọn gàng và khoa học.
Để có được ngày hôm nay, người cha quá cố của ông Ngọc đã có một hành trình dài đắp đập ngăn sóng biển và đào hồ nuôi thủy sản.
Theo ông Ngọc, bố ông là ông Nguyễn Văn Lạng (SN 1937, mất năm 2011) là người ở Quảng Yên (Quảng Ninh) – nơi có truyền thống nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và bố mẹ ông cũng làm nghề này.
Thời điểm những năm 1985 trở về trước, hầu hết người dân trên đảo Hà Nam ở Quảng Yên đều sống bằng nghề biển, nên nguồn lợi thủy sản gần bờ dần cạn kiệt, mà muốn vươn khơi xa đánh bắt lại không có ngư cụ tốt.
“Nghe bố tôi kể lại, ông được một người bạn mách bảo ngoài khu vực Hòn Gai (tên gọi cũ của Hạ Long bây giờ) có nhiều tôm cá, ít người đánh bắt, thế là bố tôi tìm hiểu và bắt tay làm. Bố đưa mẹ và 10 người con đi theo, phải chăng cũng vì miếng cơm manh áo mà có duyên với vùng đất này”, ông Ngọc kể.
Khoảng năm 1985, khi ấy ông Ngọc mới 24 tuổi, khu nuôi trồng trên chỉ là bãi đầm lầy với nhiều cây sú vẹt. Người dân nơi đây gọi bãi này là khu Hà Sú, nước biển còn xâm nhập vào tận quốc lộ 18.
Thời điểm đó dân cư ở đây rất thưa thớt, nhà nước còn động viên nhân dân đi khai hoang lấn biển, ai có sức làm được bao nhiêu thì làm.
Với công cụ rất thô sơ là những chiếc xẻng mai, kéo cắt đất, hàng ngày bố ông Ngọc chèo thuyền từ quốc lộ 18 ra khu đầm hoang vu này miệt mài đào đất đắp đập ngăn sóng biển để bảo vệ vùng trồng rau, lúa phía trong.
“Sức người bỏ ra không biết bao nhiêu cho xuể, ngoài các thành viên trong gia đình, bố mẹ tôi còn thuê nhân công từ Quảng Yên, Hải Phòng ra làm. Nhiều người thấy đập đắp xong bị sóng biển đánh vỡ còn nói bố mẹ tôi là người không bình thường”, ông Ngọc nói.
Thế rồi trời không phụ lòng người, qua năm tháng, bố mẹ ông Ngọc cũng hoàn thành những bờ đầm chắn sóng biển đầu tiên. Nhưng do làm thủ công, nên đập khu đầm thường xuyên bị sóng biển đánh vỡ, có lần vỡ đập, cá bị trôi ra ngoài khiến bố ông Ngọc liên tục trắng tay, nợ nần. Tuy vậy, ông không nản chí mà tiếp tục vay mượn để làm đập đến cùng.
Tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động
Với sự kiên trì, những ngày tháng cơ cực của gia đình ông Ngọc đến nay đã được đền đáp bằng khu nuôi trồng thủy sản khang trang, sạch đẹp. Đây là nơi làm việc của hơn 100 lao động và cho thu nhập ổn định nhiều năm nay.
Ông Nguyễn Văn Chí (65 tuổi, ở Nam Định) đã làm việc tại khu đầm này được 5 năm với công việc cho tôm ăn.
Ông Nguyễn Văn Chí đang cho tôm ăn ở khu vực hồ nuôi tôm mùa đông (Ảnh: Nguyễn Dương).
“Tôi đã từng lao động nhiều nơi, nhiều công việc khác nhau, nhưng khi đến đây làm tôi thấy môi trường làm việc rất tốt, phù hợp với bản thân. Thu nhập trừ các chi phí ăn, nghỉ, mỗi tháng tôi được 8 triệu đồng. Nếu còn sức khỏe tôi vẫn tiếp tục làm, gắn bó lâu dài ở đây”, ông Chí nói.
Đảm nhận công việc có tính trách nhiệm cao hơn, ông Vũ Văn Sâm (53 tuổi, quê Thái Bình) chia sẻ, ông được gia đình ông Ngọc giao nhiệm vụ quản lý công nhân nuôi tôm nên có mức lương cao hơn, 12 triệu đồng/tháng (trừ chi phí ăn, nghỉ). Ông Sâm gắn bó công việc này đã 20 năm.
Ông Vũ Văn Sâm đảm nhiệm công việc quản lý, giám sát tại khu đầm nuôi trồng thủy sản (Ảnh: Nguyễn Dương).
Ngoài mức thu nhập cố định nói trên, khi đến mùa thu hoạch tôm, cá mà thắng lợi, người lao động đều được thưởng thêm.
Đó là những lao động chân tay, còn với các kỹ sư tốt nghiệp từ khoa Thủy sản của Đại học Nha trang làm việc tại đây có mức thu nhập cao hơn nhiều. Họ là những kỹ sư tạo con giống, đưa ra các phương pháp, kỹ thuật nuôi, phòng chống bệnh tật,… cho cả khu đầm.
Ngoài số hơn 100 lao động nói trên, 10 anh, chị em và con, cháu trong gia đình ông Ngọc đều làm việc, lập nghiệp sinh sống tại khu đầm này.
Các kỹ sư tại khu vực bể ươm con giống thủy sản (Ảnh: Nguyễn Dương).
“Cắm” nhiều sổ đỏ để quyết nối nghiệp cha
Công sức bỏ ra quá lớn để hình thành khu nuôi trồng thủy sản như ngày hôm nay, trước khi qua đời (năm 2011), người bố đã đề nghị ông Ngọc và 9 anh, chị em phải tiếp tục nối nghiệp, giữ lấy nghề nuôi thủy sản tại khu đầm này.
Nghe lời người cha quá cố, 10 anh chị em đã “cắm” nhiều sổ đỏ tại ngân hàng để lấy tiền “đổ xuống biển”.
Theo lời ông Ngọc, khu nuôi trồng thủy sản trên biển như “đánh bạc” với trời, bởi mỗi trận bão, mưa lớn là các vật dụng, bờ đầm đều bị hư hỏng ở các mức độ khác nhau nên liên tục phải sửa chữa, gia cố.
“Nếu chúng tôi đầu hàng, thì hơn 100 lao động sẽ sống sao đây và gia đình, con cháu chúng tôi sẽ sống sao đây. Mà điều lặng lòng nhất đó là tâm nguyện của cha tôi, ông căn dặn phải nối nghiệp ông và phát triển hơn nữa nghề nuôi biển tại khu đầm mà ông đã đổ xương máu gây dựng bao năm qua”, ông Ngọc chia sẻ.
Người lao động thu hoạch cá song (Ảnh: Nguyễn Dương).
Diện tích nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Ngọc cũng đã được chính quyền địa phương giao cho thuê đất để phục vụ sản xuất lâu dài từ lâu. Sau đó, với số tiền chắt chiu dành dụm được theo năm tháng, cuối cùng khu nuôi trồng thủy sản của gia đình anh Ngọc cũng “chuyển mình” sang nuôi theo mô hình công nghiệp từ năm 2005 và phát triển ổn định đến ngày hôm nay.
Mô hình nuôi trông thủy sản của gia đình ông Ngọc đã tạo được tên tuổi trong ngành thủy sản của tỉnh Quảng Ninh và nhiều năm liền được bình chọn là đơn vị xuất sắc.
Mô hình nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Ngọc được chọn là đơn vị tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh đi xúc tiến thương mại tại Đài Loan – Trung Quốc (Ảnh: GĐCC).
Ghi nhận những thành tích đó, gia đình ông Ngọc đã nhận được nhiều bằng khen, danh hiệu của TP Hạ Long và của tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt năm 2020, mô hình nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Ngọc còn vinh dự được Thủ tướng chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”.
Quảng Ninh có nhiều lợi thế để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh có diện tích trên 12.000 km2, bao gồm hơn 6.200km2 đất liền và hơn 6.100km2 mặt biển là ngư trường khai thác rộng lớn, có đường bờ biển dài 250km.
Ngoài ra, Quảng Ninh còn có 2 vịnh lớn là vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và 2.077 hòn đảo, chiếm hơn 2/3 số đảo cả nước; có trên 40.000ha bãi triều và trên 20.000ha diện tích eo biển và vịnh kín.
Vùng biển Quảng Ninh là nơi sinh sống của nhiều loài có giá trị, tạo ra cơ hội lớn cho phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Biển Quảng Ninh có nhiều lớp đảo che chắn nên sóng gió không lớn, địa hình đáy biển không bằng phẳng, độ sâu trung bình là 20m.
Biển Quảng Ninh còn có những lạch sâu là di tích các dòng chảy cổ và có những dải đá ngầm làm nơi sinh trưởng các rạn san hô rất đa dạng. Các dòng chảy hiện nay nối với các lạch sâu đáy biển còn tạo nên hàng loạt luồng lạch và hải cảng trên dải bờ biển khúc khủyu kín gió nhờ những hành lang đảo che chắn, tạo nên một tiềm năng nuôi trồng thủy sản lồng bè rất lớn.
Với 30 con sông, suối đổ ra biển, chủ yếu là sông, suối ngắn, lượng nước sông khá phong phú do lưu vực đầu nguồn có tỷ lệ che phủ rừng cao. Tận dụng địa hình, tỉnh đã xây dựng 176 hồ đập với tổng dung tích 359 triệu m3 phục vụ đa mục đích, cùng với đó tạo nên trên 3.000 ha mặt nước ao, hồ có điều kiện nuôi trồng thủy sản.
Với những lợi thế trên, trong 10 năm (2013-2023), tại Quảng Ninh diện tích nuôi trồng thủy sản tăng 1,5 lần (từ 21.425ha lên đến 32.092ha; tổng sản lượng thủy sản tăng 1,96 lần (từ 88.984 tấn lên đến 175.324 tấn). Với 16 cơ sở sản xuất với hàng năm đã sản xuất, ương dưỡng đạt trên 3 tỷ con giống.
Nói về mô hình nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Ngọc, ông Minh cho biết, mô hình nuôi trồng thủy sản này hình thành và phát triển bền vững từ năm 1985 đến nay.
Đoàn lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tham quan mô hình nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Ngọc (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh).
Sau khi phát triển, gia đình ông Ngọc đã mạnh dạn đầu tư quy mô với tổng diện tích nuôi công nghiệp lên tới gần 80ha và áp dụng mô hình công nghệ cao của Israel. Mô hình này còn hợp tác với Đài Loan (Trung Quốc) theo chương trình xúc tiến thương mại giữa Quảng Ninh và Đài Loan vào năm 2014 và 2016 đến nay.
Doanh số sản lượng hàng năm của mô hình nhà ông Ngọc đạt 600-750 tấn tôm và hàng trăm tấn cá các loại, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động trong và ngoài tỉnh.
Nhất là thời kỳ chống dịch Covid-19, mô hình nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Ngọc đã tham gia phòng chống dịch cùng địa phương và vẫn tạo công ăn việc làm ổn định cho công nhân.
“Tôi đánh giá rất cao về công nghệ nuôi thủy sản của mô hình gia đình ông Ngọc. Đơn vị luôn tiên phong và đi đầu về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới nhất vào sản xuất và đạt hiệu quả cao. Từ mô hình này đã nhân rộng ra các cơ sở nuôi thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh. Mô hình này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế chung của ngành nông nghiệp”, ông Minh đánh giá.
Mô hình nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Ngọc đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế chung của ngành nông nghiệp (Ảnh: Nguyễn Dương).
Theo ông Minh, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, đồng hành cùng các đơn vị nuôi trồng thủy sản để nghiên cứu các công nghệ mới trên thế giới. Từ đó tạo điều kiện cho các đơn vị có cơ hội tiếp cận, hợp tác phát triển hơn nữa về lĩnh vực nuôi thủy sản và luôn hướng đến nuôi trồng thủy sản bền vững cho thế hệ mai sau.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm