“Phá rào” khởi nghiệp
Mấy tháng gần đây, dịp cuối tuần nào vườn dâu tây của gia đình chị Lê Thị Thùy Dung (33 tuổi, thôn 9, xã Thọ Ngọc, Triệu Sơn, Thanh Hóa) cũng đông khách. Không chỉ đến tham quan, khách còn tham gia trải nghiệm hái dâu và thưởng thức những trái dâu đỏ mọng.
Vừa tất bật xếp, cân dâu cho khách, chị Dung vừa tâm sự, trước đây chị làm nghề bán trái cây ở các tỉnh miền Tây. Giữa năm 2021, sau nhiều tháng nghỉ làm vì dịch Covid-19, chị Dung hai lần mua vé máy bay để vào miền Tây tiếp tục công việc cũ nhưng đều bị hoãn do dịch.
Nghĩ đã “hết duyên” nơi đất khách, chị đến chợ đầu mối ở thành phố Thanh Hóa mua dâu tây về bán quanh các công ty trên địa bàn huyện. Lợi nhuận từ bán dâu tây khá lớn, chị Dung lên kế hoạch tự tay trồng, phát triển, bán loại quả này.
Tuy nhiên, khi chia sẻ ý tưởng về trồng dâu tây trên đất pha cát ở cánh đồng Mãn, chị Dung bị cả gia đình kịch liệt phản đối. “Mọi người không tin đồng đất quê hương có thể trồng được dâu tây. Ai cũng nghĩ, tôi ôm mộng viển vông. Tôi “ăn gan trời” mới dám trồng dâu tây”, chị Dung nhớ lại ngày đầu khởi nghiệp.
Mặc cho gia đình ngăn cản, chị Dung vẫn rút 60 triệu đồng tiết kiệm để thầu 1ha đất kém hiệu quả của UBND xã, thuê nhân công cày đất, bỏ hàng chục tấn phân chuồng để làm giàu dinh dưỡng cho đất.
Sau đó, chị Dung lên Mộc Châu (Sơn La) tìm người có kinh nghiệm, hiểu biết về dâu để học cách trồng, chăm sóc loại cây này.
Tháng 10/2021, những cây dâu đầu tiên được trồng xuống. Và cứ như thế, trong một thời gian ngắn, 4.000 cây dâu đã được trồng trên diện tích hơn 1.000m2.
Không có bằng cấp, kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, những ngày đầu bén duyên với dâu tây, chị Dung gặp nhiều khó khăn. Nhiều hôm vợ chồng thức trắng để học cách chăm sóc, phòng bệnh cho dâu.
Nhờ áp dụng quy trình chăm sóc theo quy chuẩn VietGap, cây dâu phát triển tốt, đơm hoa, ra quả nhiều. “Khi những quả dâu tây chín đỏ, tôi ăn thử thấy có vị ngọt đậm đà pha chút chua dịu, hương thơm hấp dẫn, tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi hái về cho cả gia đình thưởng thức, ai cũng tấm tắc khen dâu ngon”, chị Dung kể.
Những ngày đầu dâu chín, chị Dung hái, mang đến chợ, khu công nghiệp trên địa bàn huyện bán cũng liên tục “cháy hàng”. Thấy dâu mọng nước, ngọt, thơm, khách hàng hỏi về địa chỉ của loại quả này và chị đã giới thiệu đến khu vườn của gia đình.
Thu 50 triệu đồng/ngày
Theo chị Dung, khi khách đến vườn dâu tham quan và mua trực tiếp quá đông, ý tưởng ban đầu là trồng dâu rồi mang ra chợ, các khu công nghiệp bán bị “phá sản”.
Để phục vụ nhu cầu của khách, năm 2022, chị Dung mở rộng diện tích trồng dâu tây lên 1ha. Bà chủ vườn dâu cũng học cách gắn địa chỉ khu vườn vào GoogleMaps để thuận tiện cho khách du lịch tìm đến.
“Vào chính vụ dâu, ngày nào gia đình cũng đón vài trăm khách. Dịp lễ, Tết lên tới cả nghìn khách, mang về doanh thu 50 triệu đồng/ngày. Vườn dâu của gia đình tạo việc làm thời vụ cho 4 lao động với mức lương 200.000 đồng/ngày”, chị Dung nói.
Bật mí về cách trồng dâu đạt hiệu quả kinh tế cao, chị Dung cho biết, đầu tháng 10 Âm lịch hằng năm, chị sẽ xuống giống dâu. Dâu tây là cây trồng khó tính, không ưa nắng; luôn phải giữ đất tơi xốp, độ ẩm phù hợp.
Bà chủ 9x ngâm tỏi, ớt, rượu để phun; đồng thời trồng xen canh tỏi để xua đuổi sâu bọ, bảo vệ vườn dâu. Tháng 12 dâu sẽ đơm hoa, ra quả. Dâu chín đều và cho thu hoạch trong thời gian 4 tháng.
Theo chị Dung, 6 tháng sau khi trồng, với 1ha dâu sẽ cho thu khoảng 5 tấn quả, giá bán 150.000-300.000 đồng/kg, gia đình chị Dung thu về gần nửa tỷ đồng/năm.
Ông Đỗ Đình Khánh, Phó chủ tịch UBND xã Thọ Ngọc, cho biết, nếu như trước đây, trên cùng 1ha, mỗi năm bà con chỉ thu 40 triệu đồng từ việc trồng mía. Với 1ha trồng dâu tây, chị Dung chỉ làm nửa năm đã cho thu lãi hàng trăm triệu đồng.
“Sắp tới UBND xã sẽ vận động các hộ xung quanh vườn dâu của chị Dung chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu tây. UBND xã đang có ý tưởng xây dựng dâu tây trở thành sản phẩm OCOP”, ông Khánh cho biết thêm.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm