Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đồng Nai, cho biết nguyên nhân công nhân thất nghiệp, mất việc làm do các doanh nghiệp (DN) thiếu đơn hàng dẫn tới giảm lao động. Theo bà Hiền, hiện các DN vẫn còn khó khăn, đang cầm cự để duy trì, tìm kiếm đơn hàng. Trả lời Tin Tức Tuyển Dụng, anh N.T.Q (công nhân một công ty trong KCN Lộc An – Bình Sơn, H.Long Thành, Đồng Nai) thừa nhận công việc của anh và đồng nghiệp hiện đang gặp nhiều khó khăn. Đơn hàng thiếu, công ty cho nghỉ cả thứ sáu, thứ bảy, thu nhập sụt giảm.
Tại Bình Dương, ông Trịnh Đức Tài, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Bình Dương, cho biết có hơn 83.000 lao động bị ảnh hưởng trong thời gian qua phải thỏa thuận cho thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động… do hoạt động sản xuất kinh doanh của DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, để duy trì hoạt động buộc một số DN phải cho lao động ngừng việc một thời gian bằng cách: giảm giờ làm, cho người lao động ngừng việc, hoặc thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động, cho nghỉ việc không hưởng lương…với khoảng 9.700 lao động. Các DN gặp khó khăn tập trung chủ yếu vào một số ngành nghề như: dệt may (chiếm 17%), da giày (chiếm 15%), chế biến gỗ (chiếm 16%), còn lại là các ngành nghề khác…
Cũng theo lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH Bình Dương, dự ước cả năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN trong một số hiệp hội (như: dệt may, gỗ, cơ điện, điện tử…) chỉ đạt khoảng 60 – 70% kế hoạch năm 2023, giảm 30 – 40% so với năm 2022 và sẽ tác động đến đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động…
Trong khi đó ông Phạm Văn Tuyên, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Bình Dương, cho biết 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Bình Dương có hơn 29.600 người có quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp, với tổng số tiền trợ cấp thất nghiệp là hơn 717 tỉ đồng; mức hưởng bình quân gần 4 triệu đồng/tháng/người. Đây là nguồn trợ cấp góp phần ổn định cuộc sống của lao động thất nghiệp đang tìm kiếm việc làm mới.
Tại Bình Phước, nhiều công ty trong các KCN cũng gặp tình trạng không có đơn hàng hoặc đơn hàng giảm khiến các công ty phải cắt giảm giờ làm, chỉ làm giờ hành chính, không tăng ca hoặc cho công nhân ngưng việc, nghỉ việc không lương. Theo thống kê, từ tháng 1 – 7, Bình Phước có gần 16.000 công nhân bị giảm giờ làm, nghỉ giãn việc. Hơn 2.000 người bị thôi việc, mất việc. Nữ công nhân N.T.M (công nhân một công ty tại KCN Bắc Đồng Phú, Bình Phước) cho biết do không có đơn hàng, hiện mỗi tuần công ty cho công nhân nghỉ từ 2 – 3 ngày không lương.
Lao động – Việc làm | thanhnien.vn
Nguồn: Sưu Tầm