Đó là câu chuyện thường ngày của người dân xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa. Bao đời nay, bà con nơi đây sống chủ yếu dựa vào cây luồng. Loại cây giống như “chiếc máy ATM” nuôi sống gia đình, phát triển kinh tế…
Trồng luồng nuôi 5 con học đại học
Căn nhà nhỏ của gia đình ông Vi Hồng Nghị nằm lọt thỏm giữa bốn bề là rừng luồng ở thôn Tân Thủy, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh. Ông Nghị năm nay 63 tuổi nhưng đã có quá nửa tuổi đời gắn bó với cây luồng.
Ông cho hay, vùng đất nơi gia đình ông sinh sống được xem là thủ phủ luồng của tỉnh Thanh Hóa. Vì vậy mà ở đây gần như nhà nào cũng trồng luồng. Cây luồng là kế sinh nhai, là cây chủ lực để bà con trong vùng trang trải cuộc sống và phát triển kinh tế.
Nhà ông Nghị có 7ha luồng, số luồng này là tài sản quý giá của gia đình ông, mỗi năm cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng.
Mặc dù cuộc sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, nhưng gia đình ông Nghị là một trong số ít gia đình ở xã Tân Phúc có 5 người con học đại học. Ông cho hay, để có tiền nuôi 5 con ăn học, vợ chồng ông nhờ chủ yếu vào nguồn thu nhập từ cây luồng.
“Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống đủ ăn đã khó. Một lúc nuôi 5 đứa con ăn học lại càng khó khăn hơn. Nếu không có cây luồng, tôi không thể cho con theo học được như vậy”, ông Nghị chia sẻ.
Nhớ lại những năm tháng nuôi các con ăn học, ông Nghị kể, đây là quãng thời gian khó khăn nhất đối với gia đình ông. Có thời điểm, cùng một lúc hai con hết tiền đóng học phí, tiền sinh hoạt hàng tháng. Mỗi lúc như vậy, ông đi vay mượn tiền từ các chủ thu mua luồng, đến khi thu hoạch luồng sẽ trả nợ dần.
Theo ông Nghị, những lúc cuộc sống khó khăn nhất thì có cây luồng cứu cánh. Hiện các con của ông đều đã ổn định, có cuộc sống riêng. Nhiều năm qua, vợ chồng ông Nghị vẫn tiếp tục bám lấy rừng luồng để mưu sinh.
“Có luồng là có tiền, khi vợ chồng tuổi đã cao, không có công việc gì. Mỗi lúc hết tiền đi chợ, chỉ cần lên đồi chặt một vài cây luồng là giải quyết được chút tiền mua thức ăn. Nói chung cây luồng không giàu nhưng giải quyết được nhiều thứ”, ông Nghị nói.
Cách nhà ông Nghị không xa, gia đình anh Vi Văn Quản (38 tuổi) đang ở trong căn nhà khang trang. Anh Quản cho biết, căn nhà được xây dựng năm 2022 với giá trị khoảng 400 triệu đồng, trong đó một phần tiền có được nhờ trồng luồng.
“Ngoài công việc bán hàng tạp hóa thì gia đình có 1ha luồng, vợ chồng tôi mỗi năm thu hoạch một ít rồi tích góp dần dần. Năm ngoái xây căn nhà, mặc dù không có tiền nhưng có luồng nên dễ vay mượn. Tôi cứ vay rồi khi thu hoạch luồng trả dần”, anh Quản chia sẻ.
Theo anh Quản, không chỉ gia đình anh, cây luồng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với người dân địa phương. “Cây luồng giúp chúng tôi có tiền đóng tiền học cho con, trả lãi ngân hàng hằng tháng, thậm chí mỗi khi đám ma, đám cưới, chỉ cần chặt vài cây luồng là có tiền để đi đám”, anh Quản tâm sự.
Mặc dù là cây chủ lực để phát triển kinh tế nhưng những năm qua cây luồng trên địa bàn xã Tân Phúc nói riêng và huyện Lang Chánh nói chung chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Theo ông Lê Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Tân Phúc, hiện nay trên địa bàn xã có 2.300ha diện tích luồng. Đây là cây chủ lực trong phát triển kinh tế, tuy nhiên việc khai thác còn manh mún, nhỏ lẻ nên cây luồng chưa thực sự là cây để làm giàu.
“Người dân đang khai thác luồng theo kiểu tự phát, chủ yếu phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Việc này cũng xuất phát từ giá cả thấp, đường khai thác luồng chưa thuận tiện, còn thiếu các cơ sở chế biến sản phẩm từ luồng. Vì vậy mà lâu nay cây luồng chỉ mang tính chất xóa đói”, ông Phú cho biết.
Để cây luồng không còn là cây “xóa đói”
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Quang Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lang Chánh, cho biết, luồng được trồng từ năm 1960. Hiện toàn huyện có hơn 13.000ha tre, luồng. Trong đó, chủ yếu phân bố ở các xã Tân Phúc, Tam Văn, Lâm Phú, Trí Nang, Giao An, Giao Thiện, Đồng Lương và thị trấn Lang Chánh.
Nói về lịch sử, ông Tùng cho biết, luồng vốn là cây bản địa. Trước kia, người dân trồng luồng để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như làm nhà, chế biến các đồ đan lát, guồng nước…
“Ở đồng bằng có lúa là cây chủ lực thì các huyện miền núi có luồng, nứa và tre. Đây là cây duy trì cuộc sống của người dân. Không chỉ tại Lang Chánh, mà người dân 11 huyện miền núi ở Thanh Hóa đều gắn bó mật thiết với dòng cây họ tre, luồng”, ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, cây luồng từng được mệnh danh là “vàng xanh” ở địa phương. Bởi cây có tính tái tạo, một cây luồng có thể trồng và khai thác trong khoảng thời gian 50-60 năm, thậm chí lên đến 100 năm mà không tốn nhiều công chăm sóc.
Trong những năm qua, cây luồng góp phần nâng cao cơ cấu kinh tế của ngành nông – lâm nghiệp, góp phần tăng tỷ trọng kinh tế của huyện Lang Chánh. Tuy nhiên, hiệu quả từ cây luồng chưa thực sự cao.
Ông Tùng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do việc khai thác luồng còn theo kiểu rải rác, các sản phẩm luồng bán ra chủ yếu ở dạng thô, manh mún. Trung bình mỗi năm, người dân thu nhập khoảng 9-12 triệu đồng/ha/năm.
Xác định đây là bước đi lâu dài, huyện Lang Chánh đang phấn đấu hình thành một vùng nguyên liệu sản xuất được cấp các chứng chỉ rừng bền vững. “Có một công ty chuyên chế biến các sản phẩm từ luồng đang được xây dựng ở địa phương. Dự kiến, khi đi vào hoạt động chính thức sẽ có công suất tiêu thụ khoảng 1,5 nghìn tấn/ngày”, ông Tùng cho biết thêm.
Cũng theo ông Tùng, thời gian qua, địa phương luôn mong muốn cây luồng không còn là cây xóa đói, mà phát triển đúng nghĩa với tên gọi cây “vàng xanh”.
Ông Tùng đưa ra giải pháp, cần có nhiều hệ thống đường lâm nghiệp để đáp ứng tốt hạ tầng cho vùng luồng. Ngoài ra, giống luồng trên địa bàn hiện nay đã được trồng quá lâu, có dấu hiệu già. Vì vậy cần cải tạo lại giống luồng.
Bên cạnh đó cần hình thành được chuỗi liên kết chặt chẽ giữa các vùng trồng với cơ sở chế biến nhằm gia tăng giá trị cây luồng. Đồng thời, các sản phẩm từ cây luồng nếu vươn rộng ra thị trường nước ngoài sẽ phát huy được những tiềm lực kinh tế lớn.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm