“Cố lắm chỉ được vài trăm nghìn”
Tháng 6/2023, TPHCM thành lập “Phố cưới hỏi – trầu cau Chợ Lớn” trên đường Lê Quang Sung (quận 6), với khoảng 16 quầy hàng chuyên doanh.
Bà Lê Thị Hoa (71 tuổi), tiểu thương phố trầu cau, cho hay kể từ ngày thành lập phố, nhiều người tìm đến hỏi mua hơn. Công việc kinh doanh của bà và các tiểu thương khác cũng trở nên sôi động.
Thế nhưng, sau một thời gian rộn rã, từ đầu năm 2024 tới nay, kinh tế khó khăn đã làm con phố này ngày càng hẩm hiu. Kinh doanh trên tuyến phố này từ năm 1968, bà Hoa cho hay chưa có năm nào doanh thu giảm như năm nay.
Hơn 12h, sạp hàng vẫn còn đầy lá trầu, quả cau, rượu, bánh phu thê. Các mặt hàng có giá dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.
“Nếu so với ngày xưa, bây giờ bán chậm lắm. Ngày xưa khách vào tấp nập, một mình tôi bán không kịp. Doanh thu vài triệu đồng/ngày là chuyện bình thường, còn bây giờ cố lắm chỉ được vài trăm nghìn”, bà Hoa nói.
Trầu cau được nhập trực tiếp từ huyện Hóc Môn và một số tỉnh miền Tây. Chi phí vận chuyển, hàng hóa tăng, bà Hoa chỉ có thể thay đổi giá bán một chút, xem như lấy công làm lãi. Bởi nếu tăng giá, việc kinh doanh ế ẩm sẽ càng trở nên tệ hơn.
Hơn nữa, vì đã lớn tuổi, bà Hoa phải thuê người chở hàng, làm thay các việc nặng nhọc nên tiền lãi cũng không còn bao nhiêu.
“Giờ hiếm có ai mua trầu cau để ăn như ông bà thời xưa. Bây giờ văn hóa hiện đại, trầu cau vẫn là thứ không thể thiếu trong cưới hỏi nhưng người ta đã mua ít lại, không còn chuộng như xưa nữa”, bà Hoa bộc bạch.
Cách đó không xa, quầy hàng của bà Thủy (60 tuổi) thỉnh thoảng cũng chỉ có vài khách ghé vào mua, khiến cho bà không khỏi rầu rĩ, tiếc cảnh buôn bán tấp nập trước đây.
“Việc kinh doanh khó khăn nên cuộc sống cũng tằn tiện hơn. Trước đây, một sạp này tôi có thể nuôi 6 thành viên trong gia đình, giờ chỉ đủ nuôi bản thân thôi”, bà Thủy chia sẻ.
Những người phụ nữ “sương gió”
Chỉ tay dọc con đường Lê Quang Sung, bà Hoa cho hay tiểu thương ở phố trầu cau đa phần là phụ nữ, người ít tuổi nhất cũng đã 50 và lớn tuổi nhất là ngoài 80. Các sạp hàng hầu như có truyền thống truyền từ nhiều đời.
Trước đây, bà Hoa cũng theo mẹ đi bán trầu cau từ năm 14 tuổi. Sau khi mẹ mất, bà vẫn bám trụ với nghề vì luôn vương vấn nét đẹp văn hóa của món trầu, cau.
“Chồng tôi trước đây thu nhập không cao nên mọi thứ trong gia đình đều trông cậy vào sạp trầu cau này. Nhờ nó, gia đình tôi có bữa ăn, bữa đủ, con cái lớn khôn, thành đạt”, bà Hoa nói.
Mỗi ngày, bà Hoa dọn hàng từ rất sớm, mưu sinh suốt 12 tiếng mới về nhà nghỉ ngơi. Ở tuổi ngoài 70, mặc dù các con khuyên nhủ bà nghỉ bán, ở nhà để được phụng dưỡng, nhưng bà Hoa nhất quyết tự mưu sinh.
“Các con giờ cũng có gia đình, có cuộc sống riêng, tôi hiểu bản thân mình không thể cứ xòe tay xin tiền mãi được. Hơn nữa, tôi thấy nghề này đang dần mai một.
Trước đây tuyến đường này không dưới 100 người bán trầu cau, nhưng giờ chỉ còn lác đác vài hộ. Tôi sợ cái nghề mình đeo đuổi mấy chục năm tự dưng biến mất, nên tâm niệm còn sức là còn đi bán”, bà Hoa tâm đắc.
Chịu nắng, mưa hơn 55 năm qua, gương mặt bà Hoa đã đầy vết sạm. Đôi tay bà Hoa lúc nào cũng lấm lem do phải tách cau. Cơ thể đau nhức, mắc nhiều bệnh tuổi già, bà Hoa vẫn xua tay mỗi khi ai hỏi câu: “Là phụ nữ mà phải mưu sinh đường phố, bà có từng cảm thấy tủi thân?”.
“Làm công việc chân chính, kiếm tiền bằng chính sức mình thì không có gì phải buồn hay tủi thân. Đối với tôi, nghề này rất ý nghĩa và đang giữ gìn nét văn hóa cho dân tộc. Ông bà xưa thường nói “miếng trầu là đầu câu chuyện”, tôi không biết người trẻ có còn nhớ truyền thống này không nhưng tôi sẽ rất buồn nếu nó biến mất.
Các con tôi giờ cũng nối nghiệp mẹ, kinh doanh đồ cưới, trầu cau quanh đây khiến tôi thấy rất vui. Nhưng đến thế hệ các cháu, có lẽ việc duy trì nghề truyền thống sẽ rất khó”, bà Hoa trải lòng.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm