Vừa săm soi, “bắt bệnh” chiếc xe máy cũ, anh Thìn vừa vui chuyện: “Nghề sửa xe máy lúc nào cũng nhem nhuốc dầu nhớt vì vậy người thợ phải có đam mê, thực sự yêu nghề, có niềm say mê về động cơ, xe máy mới theo được”.
“Nghề sửa xe vất vả nhưng đổi lại thu nhập tương đối cao nên mỗi tháng tôi cũng tích lũy được mấy chục triệu đồng”, anh Thìn bộc bạch.
Vừa sửa xe, anh Thìn vừa kiểm tra chi tiết từng phụ tùng trên mình “chiến mã”, cái nào còn sửa hoặc phục chế được anh đều hỗ trợ khách xử lý. Chỉ những phụ tùng đã quá cũ và không an toàn, anh Thìn mới tư vấn khách thay mới.
“Đa số khách đến sửa xe chỗ tôi đều là công nhân, lao động khó khăn. Để giúp họ tiết kiệm chi phí, tôi luôn cố gắng phục chế những phụ tùng còn sử dụng được, chỉ thay mới những thứ quá cũ”, anh Thìn giải thích.
Tùy độ hư hỏng của xe, ngoài tiền phụ tùng thay thế, trung bình mỗi chiếc, anh Thìn tính tiền công 100.000-200.000 đồng.
Ngoài tiền công, tiền hoa hồng phụ tùng từ hãng xe máy, đại lý… ông chủ tiệm kiêm thợ chính, thợ phụ… còn có thêm thu nhập từ việc thanh lý động cơ xe cũ, bình điện, dầu nhớt, lốp xe.
Mỗi ngày, trừ tất cả chi phí, anh Thìn cũng kiếm được trên dưới 1 triệu đồng.
Sau gần 20 năm cần mẫn ở tiệm sửa xe, anh đã tích góp mua được đất và xây dựng ngôi nhà khang trang 1 trệt 2 lầu ở thành phố.
Trong quá trình làm nghề, anh thợ nhấn mạnh, phải liên tục trau dồi thêm kiến thức, nắm bắt công nghệ áp dụng trên các xe đời mới. Những cảm biến, vi mạch chưa từng sửa thì anh mang vào hãng, nhờ các thợ ở đó hướng dẫn và truyền kinh nghiệm.
“Dù đã có thâm niên và kinh nghiệm trong nghề, tôi vẫn phải luôn học hỏi mỗi ngày, từ đó mới biết được nguyên lý vận hành và sửa chữa phù hợp với những dòng xe đời mới”, anh Thìn nói về bí quyết để bám trụ nghề vững bền.
Theo anh Thìn, mỗi thợ để cứng nghề, có thể tự mở tiệm riêng cần qua chí ít 5-7 năm làm thuê để lấy kinh nghiệm và tích lũy các mối quan hệ. Để mở một tiệm sửa xe thì chỉ cần vốn 100-150 triệu đồng nhưng điều kiện tích lũy kinh nghiệm, khách hàng thì cần hơn vậy nhiều.
Với những thợ sửa xe mới mở tiệm, anh Thìn gợi ý chọn mặt bằng nơi tập trung dân cư, cần xác định quan điểm luôn tận tâm, nhiệt huyết và niềm nở với khách thì mới có cơ hội phát triển lâu dài.
“Người thợ phải sửa xe khách với tâm thế như sửa xe của chính mình, để những khách ghé một lần sẽ trở thành quen, khách quen rồi không đi đâu khác. Khi khách hàng đã tin tưởng thì chính họ sẽ là người giới thiệu bạn bè, người thân với tiệm của mình, tiệm có thêm khách mới”, anh Thìn tâm niệm.
Anh Lợi (34 tuổi), thợ làm việc tại tiệm của anh Thìn kể bản thân rời quê Thừa Thiên Huế vào TPHCM làm công nhân. Một thời gian, thấy công nhân lương thấp không đủ trang trải, anh quyết định chuyển học nghề sửa chữa xe máy.
“Sau 2 năm vừa phụ việc vừa học thì tôi bắt đầu tự sửa được xe. Nghề này tuy vất vả hơn làm công nhân nhưng bù lại thu nhập cao hơn. Tôi cố gắng làm vài năm nữa, vừa nâng cao tay nghề vừa tích lũy tiền làm vốn rồi về quê mở tiệm”, anh Lợi dự tính.
Là một khách hàng quen thuộc tại tiệm sửa xe của anh Thìn, anh Cao Văn Sinh (32 tuổi, quê Nghệ An) chia sẻ: “Tôi biết đến tiệm sửa xe của anh Thìn cũng nhờ bạn bè trong khu trọ giới thiệu. Sau một lần đến đây sửa xe thấy bác thợ nhiệt tình, có tay nghề và chi phí hợp lý nên mỗi khi xe cần can thiệp, tôi đều đưa đến đây”.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm