Cứ độ tháng Chạp (tháng 12 âm lịch), những con đường ở làng cổ Túy Loan (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) lại sực nức mùi gạo mới, mùi mè trắng… trộn lẫn mùi khói bếp từ những nhà làm bánh tráng truyền thống, tạo cho du khách cảm giác nôn nao, trông ngóng Tết về.
Lục đục từ nửa đêm để “chạy” đơn Tết
Làng nghề bánh tráng Túy Loan nằm trong làng cổ Túy Loan với tuổi đời khoảng 500 năm. Làng có hơn chục hộ dân vẫn giữ gìn truyền thống và mưu sinh bằng nghề làm bánh tráng hoàn toàn thủ công.
Theo phong tục của dân làng Túy Loan, bánh tráng là món ăn không thể thiếu trên mâm cúng gia tiên trong những ngày Tết. Chiếc bánh hình tròn trọn vẹn như mong ước của nhiều gia đình về năm mới tròn đầy hạnh phúc, sum vầy.
Vì vậy, vào những tháng cuối năm, các lò tráng bánh ở Túy Loan luôn đỏ lửa để tăng sản lượng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cao của khách hàng trong và ngoài nước.
Bà Trần Thị Luyện (71 tuổi) có thâm niên hơn 50 năm với nghề tráng bánh. “Tôi dậy từ 1h sáng để chuẩn bị cho các công đoạn. Cứ cận Tết là phải làm liên tục” bà Luyện thổ lộ và cho hay, bánh được làm thủ công, từ xay bột đến các công đoạn khác.
Bà Luyện cố gắng hoàn thành những đơn hàng được đặt từ trước và không dám nhận thêm, lo làm không kịp.
Trong căn bếp, bà Luyện dùng một cái gáo múc bột đổ lên trên một tấm vải được căng trên miệng nồi to có nước đang sôi bên trong. Bà dùng gáo xoay đều một lớp bột thật mỏng theo hình tròn.
Đôi tay của bà cực khéo léo và nhanh nhẹn. Mỗi cái bánh được tráng hai lớp, lớp thứ nhất chín xong, tiếp tục dùng gáo múc hỗn hợp tráng thêm lên chiếc bánh trước.
Bà Luyện là đời thứ 3 làm bánh tráng gia truyền nên không cần canh giờ khi đúc bánh, bà chỉ cần nhìn hơi nước bốc lên từ nắp vung là biết bánh chín đến đâu. Với khoảng 20kg bột gạo được xay, bà Luyện phải ngồi đổ bánh đến tận 11h trưa.
Theo bà Luyện, để có được sản phẩm bánh tráng Túy Loan mang hương vị đặc trưng, phải chăm chút từ nguyên liệu gạo, mè và thời gian ngâm gạo.
Gạo đúc bánh tráng phải là gạo “xiệc” (gạo 13/2) do nông dân trong làng tranh thủ gieo sạ, thu hoạch để gần Tết mang ra làm nguyên liệu. Loại gạo này nấu cơm tuy cứng nhưng làm bánh lại cho độ giòn. Gạo được ngâm từ tối hôm trước để đến rạng sáng hôm sau rồi xay thành bột.
Khi bánh chín, bà Luyện dùng một nan tre mỏng luồn dưới bánh gỡ ra rồi trải trên một cái vỉ được đan bằng tre và mang phơi. Một người phụ nữ khác có kinh nghiệm lâu năm sẽ phụ trách công đoạn phơi bánh này.
Sự khác biệt làm nên thương hiệu trứ danh
Bà Luyện cho hay, chiếc bánh tráng ngon phải được pha chế đủ 5 gia vị mắm, muối, đường, mè, tỏi hoặc gừng. Cách pha chế này được xem như “bí quyết” của làng để bánh tráng có hương vị độc đáo mà chẳng nơi nào sánh được.
Bánh được xếp trên lồng tre. Khác với những làng làm bánh tráng ở nhiều địa phương, người Túy Loan không phơi bánh dưới ánh nắng mặt trời mà hong trên than hồng.
Bánh muốn ngon phải phơi qua than hồng ít nhất 2 lần, thường xuyên trở cho tới khi bánh hơi vàng, thơm chứ không “ép lửa” cho bánh nhanh khô.
Bánh tráng hong khoảng một ngày là khô và được xếp chồng để bảo quản. “Bánh được hong trên than nên có thể để quanh năm mà không lo bị mốc, khi ăn rất giòn và có thể cảm nhận rất rõ hương vị thoang thoảng của các loại gia vị”, bà Phạm Thị Hưởng (người làm với bà Luyện) bộc bạch.
Bánh tráng Túy Loan có đường kính khoảng 30cm và dùng mè trắng để tráng bánh.
Cận Tết, số lượng đơn hàng nhiều nên bà Luyện phải thuê thêm nhân công để kịp làm bánh cho khách. Mỗi ngày, lò bánh bà Luyện làm ra khoảng 200 cái, giá bán 220.000-270.000 đồng/10 cái. Giá này tăng thêm 10.000 đồng so với năm trước vì giá nguyên liệu tăng cao.
“Không có cái Tết nào lò tôi dư được một chục bánh, làm chừng nào hết chừng nấy. Tết có người còn đến đây chờ để được lấy bánh”, bà Luyện thổ lộ.
Ngày nay, bánh tráng Túy Loan không chỉ là món ăn quen thuộc của làng quê mà nó còn theo chân du khách, bạn bè bốn phương đi khắp nơi và trở thành một thứ đặc sản trứ danh của Đà Nẵng.
Chính quyền địa phương cũng đang đầu tư khôi phục làng nghề truyền thống này, gắn với phát triển du lịch làng nghề cùng kỳ vọng sẽ khôi phục làng nghề, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm