Gia đình ông Phan Phúc Thắng, trú xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới có con trai đang đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS (chương trình đưa lao động sang Hàn theo hiệp định ký kết với Chính phủ), ngành ngư nghiệp.
Con trai ông Thắng đã làm việc được 1 năm với thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Đi làm việc ở nước ngoài không những giúp con trai ông Thắng vượt qua khó khăn, mà từng bước vươn lên làm giàu.
“Ở nhà cũng vất vả, việc làm không ổn định nên con trai tôi đã quyết định sang Hàn Quốc. Công việc của cháu có thu nhập cao, các chế độ lương, thưởng đầy đủ, công việc ổn định nên bố mẹ ở nhà cũng rất yên tâm”, ông Thắng chia sẻ.
Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, hiện hoạt động đi xuất khẩu lao động tại Quảng Bình đã sôi động trở lại. Trong 2 năm trở lại đây, Quảng Bình có khoảng gần 10.000 lao động được tuyển dụng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chủ yếu tại các nước như: Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong đó, có khoảng 1.000 lao động xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS.
Từ chương trình đưa người ra nước ngoài làm việc của ngành chức năng địa phương, nhiều lao động đã hiện thực hóa giấc mơ thoát nghèo, nhiều làng quê khó khăn “thay da, đổi thịt”. Hiện nay, các mô hình, phong trào đi làm việc ở nước ngoài được nhân rộng, được người dân xem là cơ hội để xóa đói giảm nghèo, vươn lên khá giả.
“Trước đây gia đình tôi cũng vất vả, con còn nhỏ, việc làm không ổn định nên khó khăn chồng chất. Sau đó vợ chồng tôi đã bàn nhau, vay mượn để chồng đi lao động ở Nhật Bản. Nhờ chồng đi xuất khẩu lao động, có tiền gửi về nên cuộc sống giờ đỡ hơn rất nhiều rồi”, chị Hà Thị Duyên, trú huyện Bố Trạch kể.
Liên quan đến công tác giải quyết việc làm, ông Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Quảng Bình, cho biết trong năm 2023, thông qua hoạt động tư vấn việc làm, giới thiệu thị trường lao động trong và ngoài nước, đã có gần 30.000 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm và chính sách có liên quan, trong đó 3.000 người được tư vấn đi làm việc nước ngoài.
Theo khuyến cáo của cơ quan quản lý lao động tại Quảng Bình, người dân có nhu cầu cần đến trung tâm, sàn giao dịch có uy tín để được tư vấn, không những có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp mà còn tránh việc bị lừa đảo. Thực tế trên địa bàn Quảng Bình, không ít người đã rơi vào bẫy của “trung tâm ma”, dẫn đến mất tiền mà không có việc làm như hứa hẹn.
“Trước đây muốn xuất khẩu lao động phải ra thành phố lớn tìm kiếm cơ hội, gặp không ít trở ngại. Hiện nay, muốn đi Hàn Quốc theo chương trình EPS, tôi đã có thể học tiếng ngay tại Quảng Bình. Tôi hy vọng có việc làm phù hợp, thu nhập cao, tích góp vốn sau này phát triển kinh tế”, chị Nguyễn Thị Hà My, trú huyện Lệ Thủy tâm sự.
Theo bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Bình, điều kiện kinh tế của người lao động địa phương còn nhiều khó khăn. Do vậy việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài có vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính nhân văn.
Ngoài nguồn thu nhập cao, người lao động còn được nâng cao tay nghề, tự tích lũy được kinh nghiệm làm việc, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công việc, cũng như trình độ ngoại ngữ, thái độ làm việc và kiến thức xã hội.
Ngành lao động Quảng Bình sẽ tăng cường công tác thông tin, quảng bá các chương trình; thông tin kịp thời kế hoạch tuyển chọn lao động để người lao động biết, tham gia; có phương án tuyển chọn đúng đối tượng; giải quyết tốt bài toán việc làm, góp phần vào công tác an sinh, phát triển kinh tế – xã hội.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm