TP.HCM là thị trường lao động lớn nhất cả nước với hơn 4,6 triệu người lao động. Nơi đây cũng là địa phương tiên phong trong cả nước về đề xuất và thực hiện các chính sách mới, thí điểm. Trong đó, BHXH là chủ đề được người dân TP.HCM rất quan tâm thảo luận, vì các quy định mới sẽ ảnh hưởng quyền lợi thiết thân của người lao động.
Kể từ tháng 6.2023 đến nay, dự thảo luật BHXH đã được lấy ý kiến trên phạm vi cả nước. Trước khi diễn ra kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức nhiều buổi tiếp xúc cử tri, lấy ý kiến góp ý cho dự thảo luật BHXH (sửa đổi).
Qua đó, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM ghi nhận nhiều góp ý, nội dung mới muốn được bổ sung vào luật. Cụ thể:
Có ý kiến cho rằng những người đã tham gia BHXH nhưng chưa đủ điều kiện để được hưởng chế độ theo quy định thì được nhận một số tiền trợ cấp.
Có ý kiến đề nghị quy định của luật cần có khoản thưởng từ 5% – 7% hay một số chính sách bảo trợ khác đi kèm đối với những người đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng vẫn tiếp tục làm việc và đóng bảo hiểm hay những người đóng vượt số năm BHXH và đợi đến tuổi nghỉ hưu. Có vậy mới tạo sức hấp dẫn đối với người lao động.
Song song đó, TP.HCM đề nghị cần nghiên cứu, xây dựng luật theo hướng không phải ai cũng được tham gia BHXH, nhưng nếu tham gia rồi sẽ không phải lo lắng về sau, tạo sự yên tâm cho người lao động.
Về vấn đề này, tại buổi tiếp xúc cử tri công nhân lao động và chủ doanh nghiệp ngày 18.10, đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, nêu quan điểm rằng phải xây dựng luật BHXH “đẹp lên, hấp dẫn lên”, để làm sao đó người dân thấy khi đóng BHXH là sẽ an tâm về sau, khi già không phải lo các vấn đề về y tế, chỗ ở.
Cân nhắc thêm trường hợp hưởng lương hưu sớm
Đoàn đại biểu TP.HCM cũng ghi nhận nhiều ý kiến như: xem xét hệ số điều chỉnh (trước giá), sửa đổi mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp vì mức này chưa phù hợp với quyền lợi của người lao động.
Đặc biệt, xem xét trường hợp cho người lao động hưởng lương hưu sớm. Bởi có trường hợp người lao động đã tham gia BHXH đủ 30 năm, chỉ còn khoảng 5 – 7 năm nữa sẽ được hưởng lương hưu theo quy định. Tuy nhiên, người lao động không thể tiếp tục làm việc được nữa vì điều kiện của công ty, không có khả năng làm việc ở nơi khác, đồng thời, người lao động cũng không muốn rút BHXH một lần. Như vậy, cần có xem xét để người lao động được hưởng lương hưu sớm.
Mặt khác, một số cử tri đề nghị bổ sung quy định theo hướng có biện pháp ngăn chặn các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng người lao động tìm cách sa thải người lao động lớn tuổi (trên 40 tuổi), để họ có cơ hội được làm việc đến khi nghỉ hưu. Hay một số đề xuất rằng cần thành lập một vài loại quỹ để có thể hỗ trợ người lao động được tốt hơn, có nhiều nguồn thu nhập hơn.
Tăng tính tuân thủ pháp luật về BHXH
Theo Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, hiện nay, tính tuân thủ pháp luật về BHXH còn chưa cao, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương.
Có ý kiến cử tri đề nghị cần quy định để tránh việc người sử dụng lao động, người lao động đóng mức BHXH không đúng so với mức lương của người lao động được hưởng thực tế. Đồng thời, đề nghị có cơ chế công khai đối với các vụ việc doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng BHXH.
Một số ý kiến cũng đề nghị thêm các chức năng trong ứng dụng VssID như tính đến thời điểm hiện tại bình quân lương của người lao động là bao nhiêu tiền, dự kiến số tiền lãnh lương hưu mỗi tháng…
Lao động – Việc làm | thanhnien.vn
Nguồn: Sưu Tầm