Thành phố du lịch, dịch vụ ế dài
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, ngành du lịch địa phương tăng trưởng mạnh trong 8 tháng đầu năm 2023. Tính đến tháng 9/2023, tổng lượng khách đến tham quan nghỉ dưỡng Đà Lạt đạt trên 4,7 triệu lượt khách (khách lưu trú xấp xỉ 4 triệu lượt). Con số này đạt 73,5% so với kế hoạch địa phương đề ra, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, nhiều hộ kinh doanh lĩnh vực khách sạn, homestay (cơ sở lưu trú), quán cà phê, dịch vụ cho thuê xe máy, ô tô… vẫn than ế ẩm.
Anh Đức Thiện (45 tuổi, ngụ TP Đà Lạt) cho hay, trong thời điểm mùa mưa như tháng 9, 10, dịch vụ cho thuê xe máy của anh càng rơi vào cảnh hẩm hiu.
Vừa qua, anh Thiện đăng tải đoạn clip thắp nhang khấn vái cho tiệm hút khách đặt xe, vớt vát một mùa làm ăn thất bát khiến cư dân mạng phì cười.
“Như mọi năm, tháng 9, 10 là thời điểm vắng khách vì Đà Lạt vào mùa mưa. Tuy nhiên, năm nay ngay cả các dịp lễ, Tết từ đầu tháng 2 đến nay, lượng khách đã thấp hơn một nửa so với cùng kỳ những năm trước”, anh Thiện than.
Doanh thu giảm gần một nửa, anh Thiện vẫn phải chi hơn 50 triệu đồng/tháng để thuê kho, trả lương cho nhân viên. Số tiền này là chưa tính đến các khoản như bảo dưỡng, khấu hao phương tiện…
“Một số đồng nghiệp mà tôi quen vì không trụ được nên phải thanh lý tiệm, bán xe, bỏ nghề. Trước đây vào các dịp lễ, cuối tuần, khách đặt đơn trước cả tháng, đôi khi không còn xe để giao. Còn bây giờ muốn lúc nào cũng có”, anh Thiện nói.
“Giờ tôi không dám tăng giá cho thuê, giữ 100.000 đồng/xe/ngày dù chi phí xăng xe, bảo dưỡng phương tiện cao vút. Nếu không làm vậy thì chỉ có thể ngồi nhìn dàn xe để không, gia đình chịu đói”, anh Thiện tâm sự.
Với kinh nghiệm khởi nghiệp hơn 8 năm, anh Bùi Lâm Vũ (46 tuổi, ngụ tại TP Đà Lạt) nhận thấy, đây là thời điểm khó khăn nhất đối với các tiệm cho thuê xe máy nói riêng và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nói chung. Dù có lượng khách quen, anh vẫn khẳng định doanh thu năm nay giảm nhiều so với trước.
“Đa phần các cơ sở phải sang nhượng, thanh lý xe là người ở nơi xa đến khởi nghiệp, phải tốn thêm nhiều chi phí thuê mặt bằng nên không trụ nổi. Còn những người là dân địa phương, không phải thuê kho đỡ áp lực hơn, tình hình kinh doanh cũng không đến nỗi tệ”, anh Vũ cho hay.
Miếng bánh bị chia 5 xẻ 7
“Giờ tôi chỉ biết làm sao cầm cự được ngày nào hay ngày đó. Doanh thu trong các ngày lễ, cuối tuần để bù lỗ vào các dịp vắng khách”, anh Thiện than thở.
Anh chủ tiệm cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến việc kinh doanh rơi vào khó khăn là bởi ngày càng có nhiều dịch vụ tương tự nở rộ.
Năm 2018, anh từng làm việc tại một cơ sở cho thuê xe máy. Thời điểm đó, thấy công việc này “ăn nên làm ra”, anh nghỉ làm, tự mở cửa hàng riêng.
Những năm trước, TP Đà Lạt không có quá nhiều người mở dịch vụ tương tự nên việc kinh doanh ổn định. Đến nay thì chỉ cần đi vài bước chân ở khu trung tâm Đà Lạt là gặp một cửa hàng cho thuê xe.
Theo anh Lâm Vũ, cơ sở của anh là một trong những nơi đầu tiên mở dịch vụ cho thuê xe máy tận nơi ở TP Đà Lạt.
Sau hơn 8 năm, anh quan sát thấy ngày càng có nhiều dịch vụ tương tự mở ra, nhưng chất lượng ngày càng đi xuống. Điều này không chỉ tạo ra sự cạnh tranh về giá, chất lượng giữa các chủ tiệm mà còn để lại ấn tượng không tốt đối với du khách.
Ông chủ tiệm cho thuê xe khẳng định: “Bây giờ đem tiền tỷ để khởi nghiệp ngành này thì chỉ có “chết”, bởi nguồn cung đang lớn hơn cầu. Đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp càng khó khăn hơn”.
Không những vậy, anh Vũ nhấn mạnh người trẻ cần suy nghĩ thật kỹ trước khi khởi nghiệp tại Đà Lạt. Không ít chủ homestay, khách sạn cũng đã thanh lý xe máy cho thuê khi không thể cạnh tranh với doanh nghiệp làm lâu năm.
Bên cạnh đó, nhiều du khách cũng bày tỏ sự tiếc nuối trước những hình ảnh Đà Lạt bị bê-tông hóa, khác xa với vẻ đẹp hoang sơ trước đây. Điều này cũng tác động đến tâm lý chọn điểm đến du lịch của du khách.
Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn nhận định, cách phát triển của Đà Lạt trong vài thập niên trở lại đây có xu hướng không bền vững, khi các khu nội thành tỷ lệ bê tông hóa quá lớn, diện tích xanh ngày càng ít đi.
“Một đô thị phát triển bền vững cần giữ từ 40-50% không gian xanh, diện tích còn lại là nhà cửa. Hiện tại, không gian xanh ở Đà Lạt rất ít, chỉ còn khoảng 10-15%”, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết.
Dưới bài viết Vỡ mộng làm giàu, chủ homestay ở Đà Lạt tiếc thời thu 120 triệu đồng/tháng trên báo Dân trí, nhiều đọc giả cũng bày tỏ sự nuối tiếc và không còn “mặn mà” với Đà Lạt ngày nay.
Tài khoản Hoi Nguyen cho hay: “Tôi vừa đi Đà Lạt dịp lễ 2/9 và cảm thấy rất ngán ngẩm. Khu quảng trường xây rất đẹp nhưng hàng quán lại tự do bày ra, xả rác bừa bãi, đến mức muốn chụp một bức ảnh không dính hàng quán cũng rất khó. Chợ đêm thì lộn xộn, chặt chém, xe cộ nhốn nháo,… như vậy thì ai muốn đến nữa?”.
Tài khoản Tuan Tran Minh bình luận: “Ở Đà Lạt có quá nhiều khách sạn nhưng không tập trung. Tôi đã lên đây nhưng vẻ mộng mơ và nên thơ đã bị nhà kính, nhà lưới phá vỡ cảnh quan. Thành phố mộng mơ đâu rồi? Nếu Đà Lạt không thay đổi, tôi và gia đình sẽ không quay lại nữa”.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm